(VTC News) – Nếu thực hiện theo đúng Nghị định của Chính phủ, tòa nhà Sakura Tower có thể đã bị cưỡng chế phá dỡ vào cuối năm 2011.
Người ký giấy phép xây dựng đã quên dự án?
Như đã đưa tin, vào tháng 7/2011, chủ đầu tư công trình Sakura Tower tại 47 phố Vũ Trọng Phụng (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) bị Thanh tra Bộ Xây dựng xử phạt 500 triệu đồng vì hành vi không có Giấy phép xây dựng. Vào thời điểm đó, tòa nhà này đã hoàn thành xây thô được hơn 20 tầng.
Sau đó không lâu, Sở Xây dựng TP Hà Nội đã cấp Giấy phép xây dựng cho công trình. Theo Giấy phép số 13, do ông Nguyễn Khắc Thọ - Phó Giám đốc Sở Xây Dựng TP Hà Nội khi đó ký (ngày 18/1/2012) thì chủ đầu tư được phép xây dựng tòa nhà với 22 tầng, 2 tầng hầm, 2 tầng kỹ thuật và 1 tầng lửng.
Trả lời phóng viên, Luật sư Nguyễn Phú Thắng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: "Mặc dù công trình Sakura Tower về sau này đáp ứng đủ điều kiện được cấp Giấy phép xây dựng theo Điều 65 Luật Xây dựng. Nhưng khoản 1 Điều 62 Luật Xây dựng quy định: 'Trước khi khởi công xây dựng công trình chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng'.
>Tòa nhà Sakura Tower xây không phép: Quyền năng Bộ Xây dựng đến đâu?
Như vậy, tiến hành cấp phép cho Sakura Tower như trên là không tuân theo trình tự thủ tục mà luật pháp đã quy định, thể hiện sự mất trật tự, và bất hợp lý.
Trường hợp tự ý xây dựng công trình tới khi gần hoàn thành mới được cấp phép như Sakura Tower có thể dẫn đến nhiều hệ lụy không tốt như tạo tiền lệ xấu, khó khăn trong hoạt động quản lý Nhà nước ở địa phương nơi có công trình vi phạm, không đảm bảo tính thống nhất của pháp luật.
Thêm nữa, việc cấp phép không đúng quy trình, trình tự còn ảnh hưởng đến quy hoạch đô thị và mức độ giám sát Nhà nước đối với chất lượng công trình như tôi đã nói ở trên".
Để tìm hiểu về lý do tại sao cơ quan chức năng lại "cấp phép ngược" cho chủ đầu tư Sakura Tower, phóng viên VTC News đã liên hệ với ông Nguyễn Khắc Thọ. Tuy nhiên, vị nguyên Phó Giám đốc Sở này cho biết, ông đã về hưu từ đầu năm 2012 (thời điểm ngay sau khi ký Gi���y phép Xây dựng cho chủ đầu tư Sakura Tower – PV) nên không còn nhớ gì về dự án Sakura Tower nữa.
>Tòa nhà Sakura Tower xây không phép: Bộ Xây dựng phải 'chạy theo' cấp phép
"Tôi đã về hưu từ đầu năm 2012 nên không còn nhớ gì về công trình đó. Nếu các anh muốn tìm hiểu về công trình thì hãy liên hệ với Sở Xây dựng," ông Thọ nói.
Mặc dù nói không nhớ đến việc cấp phép cho tòa nhà Sakura Tower, nhưng ông Nguyễn Khắc Thọ lại cho rằng, tòa nhà này xây dựng sai phép chứ không phải là không phép.
"Tòa nhà đó xây dựng sai phép chứ không phải không có phép. Sai phép thì đã bị xử phạt, nếu không có phép thì không thể tồn tại được," ông Thọ khẳng định.
Thanh tra bộ cũng quên?
Trao đổi với phòng viên VTC News, một cán bộ Thanh tra Bộ Xây dựng xác nhận rằng vào năm 2011, cơ quan này đã ra quyết định xử phạt đối với chủ đầu tư tòa nhà 47 Vũ Trọng Phụng với số tiền 500 triệu đồng vì lỗi tái phạm hành vi không có Giấy phép xây dựng.
Về lý do tại sao chỉ xử phạt hành chính mà không cưỡng chế phá dỡ công trình này, vị cán bộ nói trên cho biết, việc xử phạt này là căn cứ vào Nghị định 180 (Nghị định 180/2007/NĐ-CP ngày 07 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị - PV).
"Theo quy định tại Nghị định 180, trong thời gian 2 tháng kể từ sau ngày ra quyết định xử phạt, nếu chủ đầu tư trình được Giấy phép xây dựng thì được tiếp tục xây dựng. Tòa nhà 47 Vũ Trọng Phụng trình được Giấy phép xây dựng trong thời gian quy định nên mới được tiếp tục xây dựng," cán bộ thanh tra cho biết.
Khoản 2, Điều 12, Nghị định 180 quy định, những công trình xây dựng phải bị lập biên bản ngừng thi công xây dựng, yêu cầu chủ đầu tư làm thủ tục xin cấp Giấy phép xây dựng gồm:
"Công trình xây dựng phù hợp vị trí quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; công trình xây dựng trên đất ở có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà, phù hợp quy hoạch xây dựng; xây dựng mới trên nền nhà cũ hoặc cải tạo nhà đang ở phù hợp quy hoạch xây dựng; công trình xây dựng trên đất có đủ điều kiện về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật bất động sản."
Điều luật này cũng ghi rõ: "Trường hợp chủ đầu tư không ngừng thi công xây dựng, công trình phải bị đình chỉ thi công xây dựng, buộc xin cấp Giấy phép xây dựng (…) Trong thời hạn tối đa 60 ngày, kể từ ngày có quyết định đình chỉ thi công xây dựng, chủ đầu tư không xuất trình Giấy phép xây dựng do cơ quan có thẩm quyền cấp thì bị cưỡng chế phá dỡ."
Mặc dù cán bộ Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, chủ đầu tư Sarakura trình được giấy phép trong thời hạn cho phép. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên thì sự việc không hẳn như vậy.
>Tòa nhà Sakura Tower xây không phép: Quyền năng Bộ Xây dựng đến đâu?
Trong văn bản gửi UBND quận Thanh Xuân vào ngày 8/5 vừa qua, chính Công ty CP Hùng Tiến Kim Sơn đã thừa nhận rằng: Ngày 26/7/2011, Thanh tra Bộ Xây dựng có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 74/QĐ-XPHC với mức phạt là 500 triệu đồng. Công ty đã chấp hành quyết định và nộp phạt vào ngày 4/8/2011.
Sau thời gian đình chỉ thi công để xử lý, một cuộc họp liên ngành để bàn về việc cấp phép cho công trình Sakura được tổ chức. Cuộc họp này có đại diện Sở Xây dựng TP Hà Nội, Thanh tra TP Hà Nội, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về QLKT và chức vụ - Công an TP Hà Nội (PC46), Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, UBND quận Thanh Xuân, Thanh tra xây dựng quận Thanh Xuân, UBND phường Thanh Xuân Trung.
Ngày 12/1/2012, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận đề xuất của liên ngành về việc cấp phép xây dựng cho công trình số 47 Vũ Trọng Phụng. Tới ngày 18/1/2012 Sở Xây dựng TP Hà Nội đã cấp giấy phép số 13/GPXD cho Công ty CP Hùng Tiến Kiêm Sơn.
Như vậy, khoảng thời gian từ khi Thanh tra Bộ Xây dựng ra quyết định xử phạt hành chính (26/7/2011) tới khi Sở Xây dựng TP Hà Nội cấp Giấy phép cho chủ đầu từ (18/1/2012) kéo dài tới hơn 4 tháng. Vậy tại sao vào thời điểm đó, tòa nhà này không bị cưỡng chế phá dỡ theo quy định tại Khoản 2, Điều 12, Nghị định 180 nói trên?
Đó là chưa kể tới việc tòa nhà này chỉ ngừng thi công và xin Giấy phép khi có sự vào cuộc của Thanh tra Bộ Xây dựng. Trước đó, Thanh tra xây dựng quận Thanh Xuân đã có nhiều lần ra quyết định yêu cầu ngừng, đình chỉ thi công nhưng hoàn toàn không có tác dụng.
Trong một diễn biến khác, hiện nay chủ đầu tư Sakura Tower đã tự ý thay đổi công năng của các tầng kỹ thuật. Hiện người dân đang mong chờ một kết quả xử lý mạnh tay từ cơ quan chức năng liên quan đến sai phạm mới của chủ đầu tư trong việc xây dựng, quản lý tòa nhà này.
VTC News sẽ tiếp tục thông tin tới quý độc giả.
Mọi thông tin phản ánh xin gửi về email: bandoc@vtc.vn hoặc liên hệ trực tiếp đến đường dây nóng 01255.911.911.
Minh Quyết
Mời quý độc giả xem các bản tin cập nhật về giàn khoan trái phép Hải Dương 981 trên VTC 14 vào lúc 19h hàng ngày và VTC 1 vào lúc 20h hàng ngày. Xem tiếp sóng VTC1, VTC14 trên VTC News từ 19h hàng ngày.
Video đang được xem nhiều
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.