Thứ Sáu, 8 tháng 8, 2014

Chủ hàng sơ sinh “treo niêu” vì Tháng cô hồn

GiadinhNet - Mọi giao dịch liên quan đến tài chính, giao dịch đều "xẹp" hơn so với tháng trước, đặc biệt là ngành hàng quần áo cho trẻ sơ sinh. Nguyên nhân được các chủ hàng lý giải là do khách ngại mua trong "Tháng cô hồn". Vì cái sự ế đến khó nhằn này, nhiều chủ hàng đã treo biển "nghỉ qua Rằm" hoặc cắt giảm nhân sự.

Chủ hàng sơ sinh

Nhiều cửa hàng bán đồ sơ sinh lâm vào cảnh ế ẩm vì khách kiêng kị "Tháng cô hồn" . (Ảnh minh họa)

Nghỉ qua rằm

Theo quan niệm của không ít người, một trong những điều tối kỵ không nên làm vào tháng cô hồn là "mua quần áo cho trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh". Do vậy, để tránh các "vận đen" có thể gặp phải, nhiều người đã nói "không" với hoạt động giao dịch này. Dù không rõ quan niệm này xuất phát từ đâu nhưng nhiều người cho rằng "có thờ có thiêng, có kiêng có lành" và cái sự kiêng này đã làm cho mặt hàng quần áo trẻ sơ sinh ế ẩm.

Theo khảo sát của PV Báo GĐ&XH, nhiều cửa hàng bán đồ sơ sinh, sính lễ cưới hỏi... đã dán thông báo nghỉ bán từ đầu tháng đến hết Rằm Tháng 7 Âm lịch. Chị Nguyễn Thị Hải, bán quần áo trẻ sơ sinh trên phố Chùa Bộc (Hà Nội) lo xa: "Không biết qua rằm khách đã đến mua sắm chưa? Các năm trước, vào tháng 7 Âm lịch, lượng hàng bán ra có ít hơn, nhưng không đến mức vắng hoe như năm nay. Nghe con gái bảo tôi mới biết, cư dân mạng đang truyền nhau bài viết về 18 điều cấm kỵ trong "Tháng cô hồn", trong đó có việc mua sắm đồ cho trẻ em thì mới tỏ cái sự vắng khách này đến từ đâu".

Lướt qua một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội, chúng tôi nhận thấy các mặt hàng như sữa, bỉm và thức ăn cho trẻ vẫn bán chạy như thường, nhưng ở quầy đồ sơ sinh lại vắng hơn thường ngày. Khách cũng chỉ đến xem rồi đi. Đại diện một siêu thị bán đồ cho mẹ và bé quy mô lớn trên phố Nguyễn Trãi (Q. Thanh Xuân) chia sẻ tình cảnh ế hàng trong tháng 7 Âm lịch các năm: "Doanh số mặt hàng dành cho trẻ sơ sinh giảm. Có lẽ một phần do quan niệm của các phụ huynh không muốn mua sắm những món đồ đầu đời cho bé vào tháng này".

Để kích doanh số, nhiều siêu thị, cửa hàng lớn không thể đóng cửa nghỉ bán như tiểu thương, phải tung ra các chương trình khuyến mại. Nơi thì tuyên bố giảm mỗi hóa đơn 50.000-100.000 đồng cho các mẹ bầu mua hàng mang theo sổ khám thai, nơi lại có chính sách "mua tháng 7, giao hàng tháng 8" và được chiết khấu. Tuy nhiên, những chiêu quảng cáo đó cũng không thể thay đổi được nhiều quan niệm nghỉ mua sắm "Tháng cô hồn".

Không chỉ đồ cho trẻ sơ sinh, cửa hàng bán điện thoại của anh Lê Văn Sâm ở đường Láng cũng trở nên ế ẩm. Anh Sâm cho biết: "Có ngày chỉ có vài khách vào xem, có ngày chẳng thấy khách nào ghé. Từ đầu tháng tới giờ ế ẩm quá. Cũng may, tháng trước doanh thu lại tăng lên đôi chút bù cho những ngày tháng 7 Âm èo uột".

Cũng đồng cảnh với chủ hàng quần áo sơ sinh, chủ các hàng đám cưới hỏi cũng rất ngại "Tháng cô hồn". Bà Quế - chủ cửa hàng đồ sính lễ ở phố Trần Cung (Bắc Từ Liêm) đã lường trước được việc kinh doanh ế ẩm này. Bà Quế cho biết: "Đồ lễ cưới hỏi thì rõ rồi. Năm nào chả vậy, nhưng ngày này chúng tôi mở cửa hàng chơi chơi, vui là chính".
Kiêng kỵ hay mê tín?
Chủ hàng sơ sinh

Trang bán hàng online cũng thông báo nghỉ.


Không chỉ kiêng những điều to tát như mua nhà, tậu xe, ngay cả du lịch cũng bị ảnh hưởng. Anh Hồ Văn Minh làm điều hành cho một doanh nghiệp du lịch có trụ sở ở đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) cho biết: "Ngay cả đi chơi, nhiều khách cũng ngại anh à. Du lịch hè là cao điểm nhưng trúng vào tháng 7 Âm, doanh số cũng giảm. Có những cơ quan đặt tour rồi nhưng sau đó lại hủy vì nhiều người trong đoàn đã "nghĩ lại", thấy đi chơi trùng vào "Tháng cô hồn" với những điều cấm kỵ nên đua nhau ở nhà".

Chưa bao giờ hội chứng "Tháng cô hồn" lại lan rộng như năm nay, một phần do các mạng xã hội ngày càng phát triển mạnh. Điều đó đã nảy ra những câu chuyện cười ra nước mắt. Nhiều người gặp chuyện không vui liền sẵn sàng đổ ngay cho tháng 7 Âm. Họ cho rằng nguyên nhân là do cái từ "cô hồn" ám quẩy nên gặp xui.

Hồng Nhung, nhân viên văn phòng đóng tại phố Láng Hạ đi làm quên ví, chạy xe vượt đèn đỏ bị Công an giao thông xử phạt. Cô liền chia sẻ trên trang thông tin cá nhân: "Mới đầu "Tháng cô hồn" mà đã gặp bao nhiêu chuyện đen đủi. Sáng đi làm quên ví, quay về thì bị công an tóm do vội nên phạm luật giao thông. Chỉ mong chóng qua tháng 7 Âm khổ sở".

Anh Lê Hải ở Giảng Võ hẹn gặp đối tác nhận nốt khoản hợp đồng tại một quán cà phê vỉa hè. Tiền nong xong xuôi, cả hai ngồi cà phê "chém gió". Chẳng hiểu chuyện trò tít mít thế nào mà anh Hải quên điện thoại ở quán cà phê nọ. Về đến nhà không thấy điện thoại đâu, anh tất tả quay trở lại tìm thì chiếc điện thoại đã không cánh mà bay.

Tiếc của, Hải lên Facebook ra sức than thở: "Ôi đen quá, đúng là tháng 7 Âm, đen đủ đường". Khi status vừa được đăng lên, chỉ có số ít bạn bè vào ủng hộ sự đen đủi của tháng 7 Âm, còn phần lớn đều khẳng định lý do mất điện thoại là do anh Hải để quên chứ chẳng liên quan đến "cô hồn" nào cả.
Trên một số diễn đàn như webtretho, lamchame có các topic thảo luận về những điều kiêng kỵ vào tháng 7 Âm, trong đó việc mua quần áo trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ luôn được nhắc tới nhiều nhất. Ý kiến chung của nhiều bà mẹ đều cho rằng mua quần áo trong "Tháng cô hồn" có thể khiến trẻ gặp rắc rối, dễ ốm bệnh, quấy khóc…
Hà Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

News - Tin tuc - RSS - ATOM - FEED