Thứ Sáu, 1 tháng 8, 2014

Anh không thấy thời gian trôi

QĐND - Anh không thấy thời gian trôi

chỉ thấy những đám mây di chuyển

và những chiếc lá vàng không muốn lìa cây

gió rung, lá rơi còn vẫy vẫy.

Anh không thấy thời gian trôi

chỉ thấy những lá thư ngày một bạc màu

những cơn mưa rơi vào đêm vắng

dấu chân ta-năm tháng có còn đâu.

Anh không thấy thời gian trôi

chỉ thấy mùa thu vừa lạ vừa quen

những gương mặt những nụ cười mới gặp

chưa kịp thân đã thấy khác đi rồi.

Anh không thấy thời gian trôi

chỉ thấy lòng ngày một tha thiết với trời xanh

sợi tóc rụng bàn tay nào giữ được

mỗi ban mai khắc khoải việc chưa thành.

Anh không thấy thời gian trôi

thời gian ở trong màu, không lời

ẩn mình trong khóe mắt, làn môi

trong dáng em đi nghiêng nghiêng như đang viết lên mặt đất thành lời

về kiếp người ngắn ngủi.

TRƯƠNG ĐĂNG DUNG

Lời bình của ĐỖ TRỌNG KHƠI:

Tồn tại thời gian-vừa cụ thể trong từng đốt xương đọn máu, vừa cũng rất mơ hồ hư ảo. Và nỗi ám ảnh này thơ cổ kim Đông Tây đề cập đã nhiều. "Một tiếng kêu dài lạnh thái hư!", hay "Ngẫm trời đất vô cùng/ Mà rưng rưng dòng lệ…". Tìm hiểu, mong xác định nghĩa thế gian trong mong manh, hư ảo thời gian, là một giấc mộng lớn của phận người thi sĩ.

Nó như một sứ mệnh, một định mệnh.

Thi sĩ Trương Đăng Dung mang trong mình sâu lắng sự ám ảnh đó. Thơ ông bày tỏ và nâng niu. Một giọng thơ tinh tế, đầy băn khoăn, tha thiết niềm yêu sống. Và thật đắc dụng, thi sĩ đã chọn khoảng không gian, thích hợp nhất để nói về nỗi khắc khoải thời gian, đó là không gian mùa thu, với "những chiếc lá vàng không muốn lìa cây/ gió rung, lá rơi còn vẫy vẫy".

Và nỗi khắc khoải thời gian trước đoạn không gian này thêm sâu sắc hơn qua nét biểu cảm, tạo hình cụ thể của đối tượng cảm xúc: "Trong dáng em đi nghiêng nghiêng như đang viết trên mặt đất thành lời/ về kiếp người ngắn ngủi". Hình hài đã hao gầy, dáng đi đã nghiêng nghiêng, điểm cuối thời gian "kiếp người" như đã chạm đâu đây, quả là một trải nghiệm đẫm vị tiếc nuối, xót xa!

Bài thơ có 5 khổ. Nếu thấy khổ đầu mới là sự miêu tả cảnh vật, thì sang khổ hai "dấu chân" - con người đã xuất hiện và mức độ tình cảm cũng theo đó gia tăng niềm tha thiết, máu thịt, từ "những nụ cười mới gặp" tới niềm trăn trở "thấy lòng ngày một tha thiết với trời xanh", để rồi kết cục là bóng dáng người thân yêu "dáng em đi nghiêng nghiêng…". Bố cục khổ đoạn cho các trạng thái cung bậc tình cảm thời gian phát triển, mà cảm xúc thơ vẫn đảm bảo được nhịp sâu lắng, tự nhiên, là một dụng công và thành công này thêm phần soi tỏ, cảm thức thời gian được đặc trưng bởi thời gian bên trong, thời gian của tồn tại bản thể. Nhờ vậy, từ cái nhìn "nội tâm" cho phép thấy được rõ hơn màu sắc thời gian trong sự vận động sinh trưởng tới tàn phai của "ngoại vật" cơ thể thiên nhiên, thể chất sinh học từng ngày, từng tháng, từng năm.

Và đây chính là lý do, thơ Trương Đăng Dung đã gần như tạo cho mình một diện mạo ngay từ khi xuất hiện, là do thơ ấy có được phẩm chất mang biểu đồ cảm xúc về thời gian trong cấu trúc bản thể, với một nhịp điệu thi tứ riêng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

News - Tin tuc - RSS - ATOM - FEED