(Petrotimes) - Cuộc chiến xương máu tại Iraq của Mỹ với tổn phí khủng khiếp (tổng cộng có thể lên đến 2,2 ngàn tỉ USD trong đó có chi phí y tế cho cựu binh kéo dài đến năm 2053) - theo ghi nhận của nhóm học giả Mỹ với sự chủ trì của Viện Nghiên cứu Quốc tế Watson thuộc Đại học Brown công bố trung tuần tháng 3/2013 - đã không mang lại lợi ích thật sự cho Mỹ như mong đợi. Trong khi đó, Trung Quốc - kẻ đứng bên ngoài, không tốn một xu và một sinh mạng nào - lại nhào vô hưởng phần đáng kể trong "mâm cỗ" mà Mỹ dọn sẵn!
"Ngư ông đắc lợi"
Năm ngoái (trên tờ Wall Street Journal 26/3/2012), cây bút bình luận tên tuổi Robert Kaplan viết rằng: "Chúng ta giải phóng Iraq để các công ty Trung Quốc có thể nhảy vào khai thác dầu...". Năm nay (trên tờ The Atlantic 22/3/2013), Matt Schiavenza đặt tít bài viết của mình là "Ai thắng cuộc chiến Iraq? Trung Quốc!", nước mà cách đây 10 năm đã chỉ trích quyết liệt giải pháp quân sự lật đổ Saddam Hussein của Washington và "kêu gọi các quốc gia liên quan phải chấm dứt ngay hành động quân sự và trở lại con đường đúng đắn để tìm kiếm một giải pháp chính trị cho vấn đề Iraq"... Bây giờ, Trung Quốc là một trong những nước hốt đậm nhất tại Iraq thời hậu chiến. Trung Quốc không thừa nhận điều đó, như cách họ chẳng bao giờ thừa nhận làm gì xấu cho thế giới.
Hoàn Cầu Thời báo (21/3/2013) cho biết, Thời Ân Hoằng, Giáo sư quan hệ quốc tế và Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ thuộc Đại học Nhân Dân nói rằng, những "cáo buộc" về việc Trung Quốc "hốt của" tại Iraq là "hoàn toàn vô căn cứ". Tuy nhiên, họ Thời đã không thể và không hề chỉ ra bất cứ điểm cụ thể nào là "vô căn cứ", trước loạt bài báo cung cấp nhiều chứng cứ rõ ràng, như bài viết ngày 16/3/2013 của Tiến sĩ Naser Al-Tamimi đăng trên Hãng tin Alarabiya.Net (Arập Xêút).
Thủ tướng Iraq Nuri Al-Maliki trong lần kinh lý Bắc Kinh vào tháng 7/2011 (chuyến công du đầu tiên của một thủ tướng Iraq trong lịch sử quan hệ hơn 50 năm giữa hai nước)
Theo Naser Al-Tamimi, mậu dịch song phương Trung Quốc - Iraq đã tăng gần 34 lần, từ 517 triệu USD lên 17,5 tỉ USD trong giai đoạn 2002-2012. Trong cùng thời gian, mậu dịch Iraq - Mỹ chỉ tăng 5,6 lần (từ 3,8 tỉ USD năm 2002 lên 21,6 tỉ USD vào cuối năm 2012). Năm 2012, Trung Quốc là người mua hàng xuất khẩu lớn thứ hai của Iraq, với 12,6 tỉ USD (xếp sau Mỹ với 19,6 tỉ USD); và cũng là nhà cung cấp lớn thứ hai cho thị trường Iraq, với 4,9 tỉ USD (sau Thổ Nhĩ Kỳ với 10,8 tỉ USD). Còn nữa, nhập khẩu dầu thô của Mỹ từ Iraq vào năm 2012 trong thực tế lại thấp hơn cả so với thời điểm trước chiến tranh (2003). Cụ thể, năm 2002, Mỹ nhập từ Iraq 485.000 thùng dầu thô mỗi ngày (bpd) trong khi Trung Quốc gần bằng 0; 10 năm sau, Mỹ nhập từ Iraq 473.000 bpd và Trung Quốc là 315.000 bpd!
Giấy phép khai thác dầu đầu tiên mà Iraq ký với đối tác nước ngoài sau khi chế độ Saddam Hussein sụp đổ năm 2003 cũng là với Trung Quốc chứ không phải Mỹ, khi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) giành được hợp đồng 3,5 tỉ USD với Dự án khai thác mỏ Al-Ahdab vào tháng 11-2008. Sau thương vụ Al-Ahdab, CNPC giành tiếp hợp đồng 15 tỉ USD với Dự án khai thác mỏ Rumaila ở Nam Iraq (được xem là mỏ dầu lớn thứ hai thế giới) vào tháng 11/2009. 1 tháng sau, CNPC lại được trao 50% cổ phần trong Dự án mỏ dầu Halfaya... Để thắt chặt tình "hữu nghị" "bền vững lâu dài", tháng 2-2010, Bắc Kinh đã hủy 80% trong 8,5 tỉ USD mà Baghdad nợ họ. Tổng quát, CNPC đang (hợp tác) khai thác ba mỏ dầu tại Nam Iraq với sản lượng 1,4 triệu bpd, chiếm hơn 1/2 tổng sản lượng Iraq (BusinessWeek 17/1/2013). Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sản lượng dầu Iraq có thể lên đến 8 triệu thùng vào năm 2035; và đến lúc đó, 80% dầu Iraq sẽ được xuất sang Trung Quốc!
Với Bắc Kinh, Iraq đang là nguồn dầu chiến lược quan trọng, đặc biệt khi Trung Quốc đã trở thành quốc gia nhập khẩu nhiều dầu nhất thế giới, với 6,12 triệu bpd vào tháng 12/2012, so với 5,98 triệu bpd của Mỹ trong cùng thời gian (Financial Times 6/3/2013). Trung Quốc nhập khoảng 970.000 bpd từ Arập Xêút năm 2011 và hiện mua 520.000 bpd từ Iran. Tuy nhiên, bởi ảnh hưởng cấm vận lẫn trình độ kỹ thuật, dầu Iran sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu Trung Quốc; tương tự với Venezuela, nơi mà kỹ thuật cũng là một hạn chế và là nơi mà Trung Quốc chiếm 10% trong 1,7 triệu bpd xuất khẩu dầu nước này (The Diplomat 2/12/2012).
Một thực tế cho thấy thêm: trong khi sản lượng dầu Iran đang giảm, Iraq đã trở thành nhà sản xuất dầu lớn thứ hai khối OPEC (sau Arập Xêút) vào cuối năm 2012, thời điểm mà họ khai thác được gần 3 triệu bpd, lần đầu tiên kể từ năm 1990. Dự kiến, Iraq có thể tăng sản lượng dầu lên 3,7 bpd trong năm 2013. Iraq hiện là nhà xuất khẩu dầu lớn thứ ba thế giới (sau Arập Xêút và Nga), với trữ lượng dầu lớn thứ năm (143,1 tỉ thùng) và trữ lượng khí lớn thứ 12 - theo BP Statistical Review of World Energy 2012. Không chỉ trữ lượng nhiều, dầu Iraq còn rẻ, xét về chi phí khai thác (thấp hơn 15 lần so với Nga và 30 lần so với Canada).
Tại sao Mỹ thất thế trước Trung Quốc?
Các tập đoàn dầu thế giới vẫn đang hoạt động náo nhiệt tại Iraq, từ ExxonMobil, BP đến Shell... Ngày 27/11/2011, 38 tháng sau khi tuyên bố theo đuổi một dự án khổng lồ tại Nam Iraq, Royal Dutch Shell đã giành được hợp đồng 17 tỉ USD. 3 ngày sau, Công ty Năng lượng Mỹ Emerson đệ trình hồ sơ tham gia đấu thầu khai thác mỏ Zubair, nơi có trữ lượng khoảng 8 triệu thùng. ExxonMobil, với đối tác Shell, cũng thắng thầu trước đối thủ Lukoil của Nga trong hợp đồng 8,7 tỉ USD khai thác mỏ Tây Qurna 1. Shell, cùng đối tác Petronas của Malaysia, cũng giành được hợp đồng khai thác mỏ Majnoon, nơi có thể có đến 25 tỉ thùng... Tuy nhiên, tổng quát, sân chơi dường như vẫn đang nghiêng về Trung Quốc. Theo báo cáo IEA vào tháng 10/2012, Mỹ chỉ có một đại diện ExxonMobil trong bảng hợp đồng dầu khí Iraq ký với các tập đoàn nước ngoài năm 2008-2012!
Nhân viên An ninh Trung Quốc tại một mỏ dầu ở Iraq
Tại sao Iraq không ưa Mỹ? Một trong những lý do là ExxonMobil có lần qua mặt Bộ Dầu mỏ Iraq để ký hợp đồng khai thác tại khu vực bán tự trị Kurdistan ở Bắc Iraq, nơi vốn dĩ âm ỉ xung đột với Chính phủ trung ương Baghdad. Điều này khiến Baghdad khó chịu và họ đã trừng phạt ExxonMobil bằng cách cấm tập đoàn này tham gia các cuộc đấu thầu tiếp theo. Ngoài ra, ExxonMobil và Baghdad cũng mâu thuẫn nhau trong việc ăn chia. Năm 2009, khi ký hợp đồng đầu tư khai thác mỏ Qurna 1, ExxonMobil cùng các đối tác đã được Baghdad đồng ý trả thêm 1,90USD cho mỗi thùng mà họ bơm được, như một cách bù đắp chi phí khổng lồ mà họ lắp dàn khoan.
Thế nhưng 2 năm sau, Baghdad vẫn phớt lờ không trả và khoản nợ cuối cùng lên đến 50 triệu USD, tính đến cuối năm 2011 (thật ra thì bởi chính vụ gây bực bội này mà ExxonMobil đã trả đòn bằng cách nhảy vào Kurdistan; hơn nữa, chính quyền Kurdistan lại chia tỉ lệ lợi nhuận cao hơn Chính phủ trung ương Iraq)... Gần đây, người ta còn nghe râm ran chuyện CNPC có thể mua luôn cả cổ phần ExxonMobil tại Qurna 1 (Executive Magazine 1/3/2013) với giá khoảng 50 tỉ USD. Derek Scissors - nhà nghiên cứu thuộc Tổ chức Heritage, người chuyên nghiên cứu các tập đoàn nhà nước Trung Quốc - cho biết ông đã nghe vụ này khi nói chuyện với một nhà điều hành của PetroChina (chi nhánh CNPC) vào tháng 12/2012. Một cách chính xác, không phải ExxonMobil rút chân đi khỏi Qurna 1 (nơi đang bơm 400.000 bpd) mà là họ có ý định bán 60% cổ phần cho một đối tác đầu tư...
Và không chỉ dầu hỏa
Có thể nói, thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã thâm nhập sâu vào Iraq, không chỉ kinh tế và dầu hỏa mà còn cả hợp đồng vũ khí. Cần nhắc lại, trong cuộc chiến Iran - Iraq 1980-1988, Trung Quốc đã bán vũ khí và kỹ thuật quân sự cho cả hai bên và bỏ túi khoảng 8 tỉ USD. Từ 1982 đến1989, Trung Quốc hốt được gần 5 tỉ USD tiền vũ khí bán cho Baghdad (chiếm 31,4% doanh số vũ khí Trung Quốc trong thời gian này). Sau cuộc chiến Iran - Iraq, các thương vụ vũ khí Trung Quốc cho Iraq bắt đầu giảm mạnh và họ gần như mất hẳn thị trường này bởi cuộc chiến Vùng Vịnh 1991. Năm 2004, luật cấm vận vũ khí Liên Hiệp Quốc 14 năm đối với Iraq kết thúc. Trung Quốc lại nhảy vào. Năm 2007, Trung Quốc "dụ" được Iraq mua số súng hạng nhẹ trị giá 100 triệu USD...
Một cách tổng quát, có thể thấy rằng lý do giúp Trung Quốc "thắng" được một "cuộc chiến" mà họ không tốn một viên đạn là họ sử dụng thành công thủ đoạn khai thác tâm lý ghét Mỹ của Baghdad thời hậu chiến (bởi sự can thiệp tái thiết Iraq, một cách thất bại, của Washington trong suốt hai nhiệm kỳ George W. Bush). Bắc Kinh đã "láu cá" khoét sâu khoảng cách giữa Washington và Baghdad để có thể nhảy vào trám chỗ, với tư cách "luôn" là một đối tác "đáng tin" và đặc biệt chỉ biết "chuyện làm ăn" chứ không màng chính trị nội bộ!
Ngọc Trí
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.