Việc triển khai Quỹ Hưu trí bổ sung được xem là cần thiết khi chỉ với chế độ hưu trí cơ bản sẽ khó đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống. Tuy nhiên, thực hiện được bảo hiểm cho người về hưu là không dễ dàng. Bằng chứng là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa cho biết thời điểm 1/6/2013 chưa thể triển khai chương trình này, Bộ đang hoàn thiện dự thảo đề án trình Chính phủ vào tháng 11 năm nay.
Lương hưu 3 triệu/ người/ tháng không đủ sống
Thực tế mức giá cả hiện nay cho thấy rõ mức lương hưu bình quân hơn 3 triệu đồng/ người/tháng hiện nay không đảm bảo được nhu cầu sống của người dân khi hệ thống bảo hiểm xã hội (BHXH) của nước ta vẫn chưa được thực hiện theo nguyên tắc đóng hưởng. Nhiều người mong muốn được đóng góp cao hơn để được nhận lương hưu cao khi về hưu nhưng không được. Bởi theo quy định của BHXH, người lao động chỉ được đóng BHXH cao gấp 20 lần so với lương tối thiểu. Vì thế, bảo hiểm hưu trí bổ sung được hình thành là cần thiết, đây chính là nguồn giúp nâng mức sống của người lao động khi về già.
Theo dự thảo đề án, Quỹ sẽ hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện giữa người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động. Ngoài tiền BHXH bắt buộc, các doanh nghiệp hoặc NLĐ tự nguyện đóng dưới hình thức mở các tài khoản cá nhân, được bảo toàn và tích lũy thông qua hoạt động đầu tư trên thị trường tài chính; thực hiện bởi các định chế tài chính trung gian, dưới sự giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật. NLĐ khi đến tuổi nghỉ hưu sẽ được hưởng một khoản lương hàng tháng trích ra từ quỹ này cho đến cuối đời bên cạnh chế độ hưu trí cơ bản đã được Nhà nước chi trả. Mức đóng góp có thể từ 5% đến 10% mức thu nhập thực tế hàng tháng của NLĐ và quy định mức đóng tối thiểu cũng như mức trần đóng tối đa. Vụ BHXH tính toán, sau 15 năm đóng góp, ngoài lương hưu cơ bản, số tiền NLĐ nhận được hàng tháng từ nguồn hưu trí bổ sung bình quân là 5,56 triệu đồng/ tháng trong 15 năm.
Khó huy động DN tham gia
Thực ra, điểm chính yếu khiến bảo hiểm hưu trí bổ sung thực sự cần thiết nhưng lại khó khả thi là sự lưỡng lự, nói đúng hơn là gượng ép, không muốn tham gia của các DN sử dụng lao động. Nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay (riêng năm 2012 đã có trên 700 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội cả nước bị khởi kiện), thì việc để doanh nghiệp tự nguyện tham gia chương trình này hoàn toàn không đơn giản, nếu không muốn nói là tính khả thi không cao. Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp cho biết còn đang chăm lo những khó khăn cơm áo gạo tiền cho người lao động, chưa có thời gian nghĩ tới loại hình bảo hiểm mới mẻ và có phần xa xỉ này. Nói như ông Phạm Xuân Hồng- Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty may Sài Gòn 3- thì trong một năm khó khăn như 2013, việc đưa thêm loại hình bảo hiểm mới là chưa phù hợp.
Bà Hồ Thị Kim Ngân, một chuyên gia về BHXH thuộc Ban Chính sách - Pháp luật - Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhìn nhận: Mục đích của đề án là tốt. Với kỳ vọng giúp NLĐ có cơ hội được hưởng mức lương hưu cao hơn, giúp DN thu hút được nhiều lao động chất lượng cao về với mình hơn nhưng chưa thể khẳng định mô hình này thành công hay thất bại. "Mọi tính toán về mức hưởng cũng như các chính sách đưa ra mới chỉ là ý chí chủ quan của các đơn vị xây dựng đề án. Mô hình này có thể phù hợp với nước khác nhưng tại Việt Nam cũng có thể không thành công. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, việc vận động DN tham gia thí điểm là điều không dễ bởi họ đang phải đối mặt với quá nhiều khó khăn".
Thêm vào đó, với mặt bằng mức lương như hiện nay, để người lao động tự nguyện tham gia BHHTBS là điều không dễ dàng. Thế nên, bảo hiểm y tế bổ sung với người về hưu có khả thi hay không, vẫn là một câu hỏi ngỏ.n
NGUYỄN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.