Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2013

Gập ghềnh con đường tới Schengen

Liên minh Xã hội - Tự do (SLU) cầm quyền tại Rumani đang đứng trước nguy cơ tan rã sau khi Thủ tướng Viktor Ponta đề xuất các ứng cử viên vào chức Viện trưởng Viện Công tố và Giám đốc Cơ quan chống tham nhũng quốc gia mà không trao đổi ý kiến với SLU. Động thái trên có thể khiến con đường hội nhập vào Không gian đi lại tự do trong Liên minh châu Âu (Schengen) của Rumani trở nên khó khăn hơn.

Thủ tướng Viktor Ponta (bên trái)

và Tổng thống Trajan Besescu

Ảnh: agenda.ro

Bất đồng trong nội bộ SLU bùng phát sau khi Thủ tướng Viktor Ponta đề nghị cử bà Laura Kovesi, cựu Viện trưởng Viện Công tố và là đồng minh thân tín của Tổng thống Trajan Besescu, vào chức Giám đốc Cơ quan chống tham nhũng quốc gia và đồng thời đề cử ông Tiberyi Nisa vào chức Viện trưởng Viện Công tố. Chủ tịch Thượng viện Rumani kiêm đồng Chủ tịch SLU và là thủ lĩnh Đảng Dân tộc - Tự do (NPL), ông Krin Antonescu, tuyên bố các chính đảng tham gia SLU không tán thành với đề cử trên của Thủ tướng Viktor Ponta.

Do mâu thuẫn và sự tranh giành ảnh hưởng giữa ba nhà lãnh đạo nước này gồm Tổng thống Besescu, Thủ tướng Ponta và Chủ tịch Thượng viện Antonescu nên hàng tháng nay chính quyền Rumani không bổ nhiệm được Viện trưởng Viện Công tố, Chánh án cùng các thành viên Tòa án Tối cao. Cuối tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Rumani Victor Ponta đã tạm thời giữ cương vị người đứng đầu Bộ Tư pháp nước này, thay thế Bộ trưởng Mona Pivniceru vừa từ chức để chuyển sang làm thẩm phán Tòa Bảo hiến Rumani. Theo Hiến pháp, ông Victor Ponta có thể tạm thời nắm giữ cương vị bộ trưởng một bộ tối đa trong vòng 45 ngày. Trong trường hợp này, mục tiêu được đề ra của Thủ tướng Rumani là làm sao tìm được hai vị thẩm phán đứng đầu Viện Công tố và Cơ quan chống tham nhũng quốc gia, sao cho những nhân vật này cũng được sự chấp thuận của Tổng thống Trajian Basescu. Tuy nhiên, Chủ tịch Thượng viện Antonescu cho rằng, chỉ có tân Bộ trưởng Bộ Tư pháp mới có quyền đề cử các ứng cử viên vào hai chức vụ trên, đồng thời cảnh báo, SLU sẽ đổ vỡ nếu Thủ tướng Ponta cố tình thực hiện quyết định trên.

Việc không bổ nhiệm được hai chức vụ trên chính là nguyên nhân dẫn tới việc Rumani đến nay vẫn đứng ngoài không gian tự do đi lại Schengen của châu Âu. Bruxelles cho rằng, việc bổ nhiệm càng sớm càng tốt hai quan chức vào hai vị trí nói trên nhằm phục vụ cuộc chiến chống tham nhũng và củng cố nhà nước pháp quyền tại Rumani, điều kiện mà nhiều nước EU đưa ra để nước này có thể gia nhập Không gian Schengen.

Thực tế cho thấy, kể từ khi Rumani gia nhập EU năm 2007, con đường hội nhập sâu vào EU của nước này gặp nhiều trắc trở, đặc biệt là việc gia nhập Không gian Schengen. Được thành lập từ năm 1985, Không gian Schengen cho phép 400 triệu người châu Âu được tự do di chuyển trong phạm vi 25/27 quốc gia thành viên. Đó là 22 nước EU (trừ Anh, Ireland và Chypre), cộng thêm ba nước Thụy Sĩ, Na Uy và Iceland. Hiện nay chỉ còn có Rumani và Bulgaria vẫn nằm ngoài Schengen do vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía Hà Lan. Theo quy định, chỉ cần một trong 25 nước thành viên của Không gian Schengen phản đối là đủ để ngăn trở việc gia nhập của một thành viên mới. Sofia và Bucarest rất bực tức khi bị từ chối, và đe dọa sẽ trả đũa. Cuối tháng ba vừa qua, chính quyền Rumani đã cho chặn lại tại biên giới các xe tải chở hoa uất kim hương từ Hà Lan, lấy cớ là thiếu giấy chứng nhận vệ sinh thực vật. Biện pháp này chỉ được dỡ bỏ khi các nhà kinh doanh hoa của Rumani phàn nàn đã thiệt hại 300.000 euro.

Mặc dù vậy, gia nhập Không gian Schengen và Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vẫn là mục tiêu quan trọng đối với lãnh đạo Rumani. Vì vậy, để đạt được mục tiêu này, Rumani sẽ phải "thay đổi chiến thuật" để tiếp cận dễ dàng hơn.

Châu Giang

Từ khoá: gia thủ tướng giấy chứng nhận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

News - Tin tuc - RSS - ATOM - FEED