NDĐT- Giờ đây, ngày cá tháng Tư đã không còn là riêng của châu Âu nữa. Nhưng có khi chính tính phổ quát của nó khiến tính chất vui nhộn ngày cá tháng Tư ít nhiều biến dạng. Đáng ngại hơn, những câu chuyện rất thật nhưng lại như đùa đang tạo nên một sự căng thẳng bao trùm từ Âu sang Á, từ châu Phi tới Mỹ Latinh.
Ảnh: internet
Ngày 15-3, chính phủ Síp đệ trình lên Quốc hội dự luật đánh thuế tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng nước này nhằm đổi lấy khoản cứu trợ 10 tỷ euro của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) (6,75% đối với các khoản dưới 100 nghìn euro và 9,9% đối với những khoản trên ngưỡng này). Đây thực sự là một cú sốc không chỉ đối với người dân đảo Síp mà còn cả với nhiều người trong và ngoài Khu vực Eurozone. Trên thực tế, trong suốt quá trình EU vật lộn đối phó với căn bệnh nợ công thì đây là lần đầu tiên "sáng kiến" này xuất hiện.
Trong bối cảnh chính phủ Síp đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ, người dân Síp cũng phải đối mặt với muôn vàn khó khăn về công ăn việc làm giống như tình cảnh ở Hy Lạp và vì thế, những khoản tiền tiết kiệm gửi trong ngân hàng có lẽ là hy vọng cuối cùng của cuộc sống hiện tại. Cũng rất may, Quốc hội Síp với tỷ lệ 36/56 phiếu đã bác bỏ đề xuất của tổng thống Nicolas Anastasiade và qua đó cũng giúp ngăn chặn một làn sóng chống đối của người dân.
Tuy nhiên, chín ngày sau, ngày 24-3, câu chuyện đánh thuế tiền gửi đã không còn là một trò đùa nữa, Chính phủ Síp thông báo về một thỏa thuận mới với ECB và IMF. Theo thỏa thuận này, những khoản tiền gửi dưới mức 100 nghìn euro sẽ không chịu thuế, còn những khoản trên mức và đặc biệt là những khoản tiền gửi không bảo đảm tại các ngân hàng đảo Síp sẽ bị đánh thuế có thể lên tới 40%.
Thỏa thuận này có thể dẫn đến những hệ lụy hết sức nguy hiểm, ít nhất là theo hai góc độ. Thứ nhất, nó phản ánh sự bế tắc của các cơ chế tài chính như ECB hay IMF. Liệu pháp đánh thuế tiền gửi chắc chắn do không đừng được bởi có thể là sự cạn kiện nguồn lực. Trong cuộc chiến đối phó với vấn đề nợ công, ECB hay IMF đang thực sự gặp nhiều khó khăn khi những nhà đầu tư Nga hay các nền kinh tế mới nổi, tiêu biểu như Trung Quốc, tỏ ra chẳng mấy mặn mà và hầu như chẳng có đóng góp đáng kể nào. Thứ hai, chưa biết hiệu quả của liệu pháp này sẽ ra sao nhưng phản ứng tiêu cực của người gửi trong và ngoài nước sẽ hết sức khó lường. Trong tổng số tài sản mà các ngân hàng Síp đang nắm (tương đương 750% GDP của nước này) thì lượng kiều hối chiếm phần lớn (hơn 70 tỷ euro). Đông nhất là người Nga, chiếm tới 1/3 tổng số tiền gửi (vào khoảng 31 tỷ euro). Thủ tướng Nga D. Medvedev đã chỉ trích chính sách của Chính phủ Síp là "không chuyên nghiệp và hết sức nguy hiểm". Tuyên bố của một số nhà đầu tư Nga về khả năng sẽ rút hết tiền gửi không chỉ ở Síp mà còn tại toàn bộ Eurozone mới thực sự đáng phải lo lắng. Liệu pháp của Síp rất có thể sẽ tạo ra một sự rối loạn mới trong EU.
Ngày 30-3, chính phủ CHDCND Triều Tiên tuyên bố, Triều Tiên đã bước vào "tình trạng chiến tranh" với Hàn Quốc và mọi vấn đề liên Triều sẽ được giải quyết theo điều kiện thời chiến. Hơn thế, Chính phủ Triều Tiên cũng đưa ra cảnh báo về khả năng "một cuộc xung đột toàn diện và một cuộc chiến tranh hạt nhân". Tuy cộng đồng quốc tế, trước hết là Mỹ và Hàn Quốc, đều tỏ ra rất lo ngại tình hình căng thẳng ngày một leo thang giữa hai miền Triều Tiên nhưng nó không giúp gỡ bỏ suy nghĩ của phần đông rằng, khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh, nhất lại là chiến tranh hạt nhân là rất khó vào thời điểm hiện tại và đây chỉ là những hành động có tính khiêu khích hay lên gân của Triều Tiên mà thôi.
Điều này được lý giải bởi một số lý do như: i/ những khó khăn mà Triều Tiên đang phải đối mặt từ lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc cũng như các vấn đề nội tại (như khó khăn về kinh tế hay chi phí quá lớn cho quốc phòng v.v.) là rào cản lớn nhất đối với những hành động gây chiến; ii/ thói quen sử dụng cụm từ "chiến tranh" trong quá khứ như một thứ đòn bẩy, một "đòn tâm lý cân não" buộc đối thủ phải nhượng bộ. Năm 1994, trước khi hiệp định khung giữa Mỹ và Triều Tiên được ký, bán đảo Triều Tiên cũng bị đặt trong tình trạng báo động đỏ như hiện nay; iii/ ảnh hưởng và khả năng can thiệp vẫn còn rất lớn của Mỹ và Trung Quốc đối với chính phủ hai miền. Hơn nữa, tình hình trên bán đảo Triều Tiên còn liên quan tới rất nhiều các bên khác như Nhật Bản hay Nga. Tình trạng lợi ích chồng chéo của các bên tại đây được ví như một tấm lưới ràng buộc các đầu nóng; iv/ quan trọng hơn cả là các bên liên quan đều nhận thức được rằng, chiến tranh sẽ chẳng đem đến cho bất cứ bên nào lợi thế. Chính vì tất cả những điều trên, một số ý kiến còn cho rằng đây chỉ là sự "nắn gân", "đùa dai" của một bên với những bên còn lại.
Tuy nhiên, những lời lẽ có lẽ rất thật về tình trạng chiến tranh, về bạn và về thù nhưng lại bị coi là "đùa" của chính phủ Kim Jong Un, khiến người viết thực sự lo ngại. Bởi lịch sử nhân loại lại cho thấy, để một cuộc chiến tranh nào đó nổ ra chỉ cần một cái gật đầu của một hay một số ít người mà thôi. Mà "nhân vô thập toàn"!
Bức tranh ngày cá tháng Tư sẽ trở nên sáng rõ hơn nếu lắp thêm câu chuyện diễn ra ở Durban (Nam Phi) ngày 26 và 27-3.
Tại hội nghị cấp cao lần thứ 5 giữa các nền kinh tế mới nổi hùng mạnh nhất hiện nay (nhóm BRICS), các nhà lãnh đạo BRICS đã quyết định bắt đầu đàm phán chính thức về việc thành lập Ngân hàng Phát triển BRICS. Quyết định này của BRICS được lý giải là để nhằm đối trọng lại các cơ chế tài chính do phương Tây chủ trì như IMF hay WB nhằm hướng tới một thế giới công bằng và dân chủ hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại thì quyết định này có phần bất hợp lý.
Đúng là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008 đã giúp nâng tầm các nền kinh tế mới nổi G20, đặc biệt là nhóm BRICS. Một sự tách ra của nhóm BRICS không biết trong tương lai sẽ mang lại kết quả như thế nào cho họ và sau mới là cho phần còn lại của thế giới nhưng chắc chắn sẽ khiến cho các nguồn lực sẽ bị phân tán. Điều cần làm khẩn cấp hiện nay là cần có sự chung tay để khắc phục khủng hoảng.
Một thực tế khôi hài nữa là vào thời điểm hiện tại, sự phát triển của các nền kinh tế BRICS lại vẫn phụ thuộc rất nhiều vào các cơ chế tài chính hiện hữu. Khả năng hạn chế hiện tại của IMF được coi là một trong những nguyên nhân có thể dẫn tới sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng Síp. Và nếu câu chuyện của Síp trở thành hiện thực thì nhóm BRICS chắc chắn cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Cuối cùng, người viết chỉ xin cầu mong một điều là những câu chuyện có thật kiểu như trên hãy mãi chỉ là trò đùa.
TS. ĐỖ SƠN HẢI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.