KTĐT - "Có nhiều địa phương đã thu được những kết quả lớn trong công tác dồn điền đổi thửa như Phú Xuyên, Chương Mỹ, Mỹ Đức nhưng ngược lại, nhiều địa phương triển khai vẫn rất ì ạch. Cũng là đồng đất ấy, cũng là những khó khăn như thế, nhưng tại sao có nơi làm được, có nơi lại không? Mấu chốt ở đây chính là, đội ngũ cán bộ ở cơ sở đã thực sự vào cuộc quyết liệt hay chưa".
Đó là ý kiến của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU tại Hội nghị giao ban quý I và triển khai nhiệm vụ, giải pháp quý II năm 2013 diễn ra chiều 26/3.
Theo báo cáo của Giám đốc Sở NN&PTNT Hoàng Thanh Vân, đến nay, toàn thành phố có 19/19 huyện phê duyệt đề án cấp huyện, 100% số xã phê duyệt quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới (NTM); có 236/401 xã đạt và cơ bản 10 - 19 tiêu chí, trong đó có 12 xã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí; 91 xã đạt và cơ bản đạt từ 14 - 18 tiêu chí; 133 xã đạt và cơ bản đạt từ 10 - 13 tiêu chí; 134 xã đạt và cơ bản đạt từ 5 - 10 tiêu chí; 31 xã đạt và cơ bản đạt dưới 5 tiêu chí.
Sau dồn điền đổi thửa, đồng ruộng của huyện Phú Xuyên đẹp như tranh vẽ. (Ảnh: Nam Bắc).
Đối với các xã điểm xây dựng NTM, đến nay mô hình điểm Trung ương tại xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ đã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí; 3 xã điểm của thành phố gồm: Song Phượng (Đan Phượng) đạt 18/19 tiêu chí; Mai Đình (Sóc Sơn) đạt 19/19 tiêu chí; Đại Áng (Thanh Trì) đạt 15/19 tiêu chí. Tại 15 xã điểm của các huyện, thị xã, đã có 6 xã đạt hoặc cơ bản đạt 19/19 tiêu chí, các xã còn lại đạt và cơ bản đạt trên 15 tiêu chí...
Để hỗ trợ xây dựng NTM, UBND thành phố đã ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố (theo Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND ngày 6/7/2012). Đến nay, toàn thành phố đã thực hiện dồn điền đổi thửa (DĐĐT) được hơn 35.346ha/19.444ha, đạt 181% kế hoạch đề ra. Trong đó, nhiều huyện làm tốt như: Chương Mỹ (7.947ha), Mỹ Đức (6.149ha), Sóc Sơn (5.618ha), Phú Xuyên (5.526ha), Mê Linh (1.832ha), Thường Tín (1.789ha)...
Ngoài ra, một số địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện kiên cố hóa đường giao thông nông thôn, bước đầu đã đạt kết quả nhất định như: Huyện Phú Xuyên đã bê tông hóa đường trục xã 27km, đường thôn, xóm 63km, đường nội đồng 21km. Huyện Từ Liêm đã thực hiên xây dựng đường giao thông thôn, xóm với tổng số 73km. Huyện Phúc Thọ 67km; Thị xã Sơn Tây 23km...
Hiện, Hà Nội đã có 8.490 máy các loại để thực hiện cơ giới hóa trong lĩnh vực trồng trọt. Diện tích 4 loại cây trồng được cơ giới hóa đạt 107.378ha, trong đó 4.700 máy làm đất các loại, 390 máy gặt đập liên hợp, 3.400 máy tuốt lúa. Đầu tư 1.655 máy thái cỏ và máy vắt sữa cho chăn nuôi bò...
Sau khi nghe ý kiến của lãnh đạo các huyện, thị xã trong quá trình triển khai xây dựng NTM và DĐĐT, bên cạnh việc biểu dương những kết quả trong công tác DĐĐT của một số địa phương, Phó Bí thư Thường trực thành ủy Nguyễn Công Soái cũng đã thẳng thắn chỉ ra những huyện, thị chưa thực sự vào cuộc.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, thành phố đã có rất nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM. Ban Chỉ đạo thành phố cũng đã xuống các huyện, kiểm tra thực tế tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho cơ sở. Tuy nhiên, kết quả triển khai chương trình ở các địa phương vẫn chưa thực sự đồng đều. Trong khi phải DĐĐT thành công mới tạo đà cho sản xuất phát triển.
Thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị, đối với 7/19 xã điểm của thành phố và Trung ương chưa đạt 19 tiêu chí NTM, trong quý II và quý III/2013, các địa phương cần tập trung hoàn thành 19 tiêu chí. Đối với các xã đạt từ 14-18 tiêu chí, phấn đấu trong năm 2013 hoàn thành. Các xã đạt từ 10-13 tiêu chí, trong 2 năm 2014-2015 phải hoàn thành... Tổng cộng, phấn đấu 161 xã đạt tiêu chí NTM trong giai đoạn I theo kế hoạch đề ra.
Bên cạnh đó, tập trung quyết liệt DĐĐT xong trong năm 2013. Các địa phương cần trao đổi học tập kinh nghiệm tại các xã đã làm tốt để áp dụng vào địa phương mình. Tập trung tuyên truyền để người dân hiểu về mục tiêu DĐĐT và cơ chế chính sách của thành phố về chủ trương này. Trong quá trình triển khai, các địa phương cần thành lập các tổ công tác DĐĐT, lựa chọn người có uy tín, nhiệt tình, gương mẫu. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện ở cơ sở. Đối với các nơi đã hoàn thành DĐĐT, cần tiếp tục làm tốt công tác thủy lợi, giao thông nội đồng.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái cũng yêu cầu Sở Tài nguyên - Môi trường sớm có hướng dẫn các địa phương trong việc cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sở Tài chính kiểm tra và ưu tiên vốn trước cho các đơn vị làm tốt. Tập trung vào đào tạo, nâng cao trình độ cho nông dân, các chủ trang trại về thâm canh, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất. Bên cạnh đó, tập trung vào các tiêu chí không cần nhiều kinh phí như: xây dựng tổ chức chính trị trong sạch, vững mạnh; vận động nhân dân xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, bảo vệ môi trường...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.