Nhằm giúp ổn định hoạt động sản xuất của doanh nghiệp (DN) trong khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) trên địa bàn, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức đưa hàng hóa phục vụ nhu cầu người lao động tại chỗ.
Phiên chợ Việt tại KCN Bắc Thăng Long
Hà Nội hiện có trên 800.000 lao động đang làm việc tại các KCN, KCX. Việc phục vụ hàng hóa cho người lao động tại đây, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu.
Theo Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - Trần Thị Phương Lan, nhằm giúp bảo đảm đời sống người lao động tại các KCN, KCX, Sở Công Thương Hà Nội đã cùng Tổng doanh nghiệp Thương mại Hà Nội và các đơn vị thành viên (Hapro), Công ty Đầu tư phát triển nông nghiệp Hà Nội, Công ty CP Sản xuất và Thương mại An Việt, triển khai bán hàng theo các hình thức: Bán hàng lưu động, phiên chợ Việt… tại các KCN, KCX, đặc biệt tại các KCN, KCX có nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Có mặt trong phiên chợ Việt tại KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội trong ngày giữa tháng 6, chúng tôi mới thấy việc đưa hàng hóa về nơi đây đã đáp ứng được mong mỏi của người dân thế nào. Ngay từ 7 giờ sáng, tại Nhà văn hóa thôn Cổ Điển, xã Hải Bối, huyện Đông Anh, ngay chân cầu Thăng Long- là xã có nhiều người lao động làm việc tại KCN Bắc Thăng Long- người dân đã đến chờ khai trương gian hàng của Tổng doanh nghiệp Thương mại Hà Nội.
Những chuyến hàng do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức đưa vào bán tại các KCN đã góp phần tiếp sức cho việc thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Đây là giải pháp đảm bảo đời sống người lao động tại các KCN, KCX, đồng thời góp phần tăng trưởng kinh tế và ổn định tình hình xã hội của Thủ đô.
Cũng trong thời gian từ ngày 12- 20/6, các DN như: Tổng doanh nghiệp Thương mại Hà Nội và các đơn vị thành viên; Công ty CP Sản xuất và Thương mại An Việt; Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển nông nghiệp Hà Nội đã tổ chức 5 phiên chợ Việt và 16 chuyến bán hàng lưu động tại KCN Bắc Thăng Long, Nam Thăng Long- Đông Anh; KCN Quang Minh- Mê Linh; KCN Phú Nghĩa- Chương Mỹ và các xã lân cận, nơi người lao động sinh sống và làm việc. Anh Lê Công Thanh- đại diện Công ty Siêu thị Hà Nội, đơn vị trực tiếp triển khai bán hàng tại KCN Bắc Thăng Long- phấn khởi cho biết: sức mua rất tốt, những mặt hàng bà con tập trung mua sắm thuộc nhóm hàng thiết yếu nằm trong chương trình bình ổn giá phục vụ cho nhu cầu hàng ngày. Tổng doanh thu 5 chuyến bán hàng phiên chợ Việt và 16 chuyến bán hàng lưu động tại các KCN đạt khoảng 300 triệu đồng.
Đưa hàng Việt đến với người thu nhập thấp
Ông Hồ Quốc Khánh - Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương Hà Nội - cho biết, hàng hóa tại các phiên chợ Việt và các chuyến hàng bán hàng lưu động ở KCN, KCX chủ yếu là hàng tiêu dùng thiết yếu như: gạo, đường, dầu ăn, đồ hộp, đồ uống, bột giặt... được sản xuất trong nước, đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý, đồng thời có nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn kèm theo.
Chị Trần Thị Quy- 30 tuổi, công nhân Công ty TNHH KCN Thăng Long- chia sẻ, việc các DN đưa hàng bình ổn giá vào KCN đã giúp những công nhân như các chị- những người thu nhập thấp và cũng không có nhiều thời gian đi mua sắm- có cơ hội được mua hàng chất lượng bảo đảm với giá hợp lý. Cùng chung suy nghĩ đó, chị Nguyễn Thị An- 28 tuổi, công nhân Công ty TNHH Keining Muramoto Việt Nam- bày tỏ mong muốn, các DN có uy tín nên thường xuyên đưa hàng đến KCN để những lao động trong KCN được mua hàng hóa bảo đảm chất lượng, và được thụ hưởng chương trình bình ổn giá của thành phố.
Thực tế hiện nay, tại các KCN còn ít các điểm bán hàng phục vụ công nhân lao động. Việc Sở Công Thương Hà Nội cùng các DN đưa hàng vào các KCN bán đã tạo cơ hội để người lao động có thu nhập thấp có thể mua hàng hóa chất lượng với giá cả hợp lý.
Lê Kim Liên
Phiên chợ Việt tại KCN Bắc Thăng Long
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.