Thứ Ba, 3 tháng 6, 2014

Thơ Haiku: Một sơ ngộ đã khởi lên ân tình

(CATP) Tuần tới đây, Câu lạc bộ Haiku Việt TPHCM (CLB Haiku Việt đầu tiên tại Việt Nam, trực thuộc Hội hữu nghị Việt - Nhật TPHCM) sẽ kỷ niệm bảy năm thành lập. Chúng tôi đã có buổi phỏng vấn nhà văn, dịch giả, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu (cố vấn chuyên môn của CLB) về thơ Haiku và vấn đề dịch thơ Haiku ở Việt Nam hiện nay.



- P.V: Thưa ông, từ 1975 đến nay, ông được biết đến như là người đi đầu trong việc nghiên cứu và dịch thơ Haiku tại Việt Nam. Tại sao ông lại quan tâm đến thể thơ này?

- Ông Nhật Chiêu: Trong thơ ca thế giới, Haiku là một hiện tượng nổi bật. Chính vì sự ngắn gọn, đầy thiền vị, thể hiện nhịp điệu vũ trụ nên lần đầu gặp thơ Haiku tôi đã ngạc nhiên và hạnh phúc. Một sơ ngộ đã khởi lên ân tình giữa thơ Haiku và tôi. Từ đó, tôi theo đuổi Haiku. Thơ Haiku đã đi đến tinh thần tuyệt giản nhưng lại không có gì gợi mở như nó. Thơ Haiku nắm bắt một khoảnh khắc độc sáng nào đó trong cuộc đời từ linh cảm của người thơ. Với tôi, thơ Haiku là tự do vô hạn mà một giọt sương có thể có được. Và như một thói quen, tôi không thể thiếu Haiku như không thể thiếu những giọt sương.

Thơ Haiku: Một sơ ngộ đã khởi lên ân tình - 3-nhat.jpg

Nhà văn, dịch giả, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu (phải)
và tác giả bài viết tại buổi phỏng vấn

- Với tình yêu dành cho Haiku sâu sắc như vậy, ông đã dịch thơ Haiku như thế nào? Và quan niệm của ông về dịch thơ Haiku?

- Theo tôi, một bài thơ dịch hay thì đó là một bài thơ hoàn chỉnh không cần phải liên hệ đến nguyên tác mới hiểu hoặc mới cảm được. Có nghĩa là người dịch cũng là một nhà thơ. Lúc đó thì việc dịch đồng hóa với việc sáng tác. Cái khó ở đây chính là sáng tác về phương diện ngôn ngữ, còn phần hồn của nguyên tác phải được sống lại trong hóa thân ngôn ngữ mới. Cho nên, một bản dịch thơ tuyệt vời là hai lần sáng tạo!

Trở lại vấn đề dịch thơ Haiku, vì thơ Haiku là thứ ngôn ngữ hình ảnh nên dịch Haiku là tái hiện hình ảnh đó một cách sống động nhất. Đọc Haiku là phải nhìn thấy lập tức hình ảnh của khoảnh khắc mà bài thơ vừa chụp được như một nhà nhiếp ảnh tài hoa đầy linh cảm. Thấy được hình ảnh rồi thì chỉ còn tìm cách vận dụng những từ ngữ tinh nhất để "tráng" hình ảnh đó cho sắc nét và tươi mới.

- Có một thực tế là việc dịch thơ Haiku ở nước ta vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề, quan điểm của ông như thế nào?

- Tại sao thơ Haiku thường bị dịch sai ở Việt Nam mà điển hình là tập thơ Haiku Nhật Bản đồ sộ vừa mới ra mắt gần đây? Theo tôi, đó là vì người dịch không hiểu biết về văn hóa Nhật, không quen với cái nhìn của người Nhật đối với thiên nhiên và sự vật trong đời, tình yêu cái đẹp, tinh thần thiền ẩn khắp nơi trong văn hóa, mỹ học của cái không. Vì thế, hầu như người dịch chỉ bám vào từng từ riêng lẻ. Tệ hơn nữa, khi nào không hiểu thì người dịch sẵn sàng... bịa ra những điều không hề có trong nguyên tác! Cho nên, người ta dễ dàng tìm ra hàng trăm lỗi sai ngớ ngẩn không cách nào biện minh được. Rất tiếc là do thiếu thông tin mà hàng trăm lỗi sai đó vẫn chưa được dư luận quan tâm.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này. Chúc mối ân tình giữa ông và thơ Haiku sẽ nở thêm nhiều bông hoa tươi thắm.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

News - Tin tuc - RSS - ATOM - FEED