Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

Xe đạp điện hết thời "thả ga"

(PetroTimes) - Trong một cuộc họp gần đây với Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh, người tham gia giao thông vẫn phải đội mũ bảo hiểm khi lưu thông bằng xe đạp điện và xe đạp điện không được chạy quá 25km/h.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Nguyễn Xuân Phúc, đồng thời tăng cường quản lý đối với xe đạp điện, xe máy điện, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng vừa chủ trì cuộc họp rà soát và đẩy mạnh việc thực hiện các nội dung liên quan đến quản lý loại phương tiện này nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường phố.

Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chủ trì, phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ tuyên truyền, phổ biến quy định về việc tham gia giao thông bằng xe đạp điện và xe máy điện để người dân hiểu và thực hiện.

Không tiêu chuẩn kỹ thuật, không biển số hay bằng lái và giấy tờ liên quan nên xe đạp điện được học sinh rất ưa chuộng

Đặc biệt, Vụ Khoa học Công nghệ cần khẩn trương phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam hoàn thiện Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xe đạp điện, trình Lãnh đạo Bộ ngay trong tháng 10/2013; Hoàn thiện Dự thảo Thông tư quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật xe đạp điện, trình Lãnh đạo Bộ ngay sau khi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xe đạp điện được ban hành.

Vụ ATGT khẩn trương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng Dự thảo Thông tư quy định tốc độ của xe đạp máy tham gia giao thông trên đường bộ và đường đô thị; thống nhất quy định tốc độ của xe đạp máy khi tham gia giao thông là dưới 25 km/h.

Trong thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sẽ ban hành Chỉ thị gửi các Bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp tăng cường quản lý đối với xe đạp điện, xe máy điện.

Gọn nhẹ chưa hẳn đã an toàn

Thời gian qua, các phương tiện thông tin đã phản ánh nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra vì tốc độ khó kiểm soát của một số dòng xe đạp điện. Trong đó, nhiều vụ xảy ra xuất phát từ việc người điều khiển xe đạp điện chạy bằng ắc quy vượt quá tốc độ cho phép để rồi gây hậu quả đáng tiếc lại xảy ra.

Gần đây nhất là ngày 19/8 vừa qua, tại Hà Nội, một nữ sinh trường THPT Hà Nội - Amsterdam không đội mũ bảo hiểm điều khiển xe đạp điện va chạm với ô tô dẫn đến tử vong.

Cách đây chưa lâu trên đường Trần Phú, Hà Huy Tập (TP Nam Định) đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Bà Đỗ Thị Ph. (sinh năm 1949), trú tại ngõ Văn Nhân, phường Trần Hưng Đạo, TP Nam Định mượn xe đạp điện của hàng xóm đi chơi phố, do lúng túng trong xử lý tình huống bị ngã xuống đường. Không may vào thời điểm đó có một xe ô tô đã chạy qua cán lên người bà Ph. khiến nạn nhân chết ngay tại chỗ.

Trường hợp khác, khi đang bế cháu trước cửa nhà, bà Năm ở Tây Sơn, Hà Nội giật mình khi thấy hai cô cậu thanh niên phóng xe vụt qua. "Tôi không nghe thấy tiếng máy nổ cũng chẳng thấy còi nên không biết là có xe đến. Hàng xóm của tôi nói rằng cặp thanh niên ấy đi xe đạp điện", bà Năm nói.

Theo bà, việc phóng với tốc độ quá nhanh trong ngõ lại không có còi xe hay âm thanh nào cảnh báo như vậy là nguy hiểm. "Tôi đứng sát cổng nhà còn bị giật mình, không rõ trẻ con hay ai đó bất ngờ chạy từ trong ra khả năng tai nạn là khó tránh", bà Năm bày tỏ lo ngại.

CSGT ra hiệu lệnh dừng xe với 2 em học sinh điều khiển xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm

Theo thiết kế, dòng xe này chỉ chạy vận tốc tối đa 25 km/giờ nhưng người dùng lại chạy với vận tốc có lúc lên tới 40 km, thậm chí 50 km. Xe đạp điện có tốc độ cao hơn rất nhiều nhưng hệ thống phanh giảm tốc hoàn toàn giống xe đạp bình thường nên khả năng xảy ra tai nạn cao. Hơn nữa xe đạp thường đạp bằng chân dễ dàng kiểm soát tốc độ, còn xe đạp điện tốc độ lại do mô-tơ điều khiển nên dễ mất kiểm soát, khả năng xảy ra tai nạn cao hơn.

Theo bà Nguyễn Mai Trang, đại diện hãng xe đạp điện Hong Kong HKbike, việc quy định vận tốc tối đa 25 km/h cho xe đạp điện là hoàn toàn hợp lý. Các hãng sản xuất nên nghiên cứu để xe vận hành đúng tốc độ quy định để đảm bảo an toàn giao thông đường bộ.

Nhầm tưởng xe đạp điện là phương tiện sạch

Trước sự bùng nổ xe đạp điện ở Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Trưởng ban Phản biện, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, cho biết, nhiều người hiện nay nhầm tưởng xe đạp điện là phương tiện sạch với môi trường, nhưng thực tế, việc sử dụng ồ ạt loại xe này đang chứa đựng những nguy cơ về môi trường không thể tính trước.

PGS Hòe cho hay, xe đạp điện không có khí thải trực tiếp ra môi trường như xe máy, ôtô, nhưng việc sản xuất điện lại tác động nhiều đến môi trường như phá rừng đốt than. Đáng lo ngại hơn, xe đạp điện sử dụng nhiều ắc quy chì. Mỗi xe đạp điện thường gắn 3-4 bình ắc quy, mỗi bình ắc quy có tuổi thọ 2 năm. Nếu Việt Nam có khoảng 1 vạn xe đạp điện thì hai năm sẽ có 3-4 vạn ắc quy chì phế liệu thải ra môi trường. Cho nên việc bùng nổ sử dụng xe đạp điện có thể làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết: Chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu và thực thi các quy định của pháp luật khi sử dụng phương tiện này tham gia giao thông. Sau đó, các Bộ, ban, ngành, các cơ quan chức năng từ T.Ư đến địa phương cần phạt nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm. Bộ GTVT sẽ cùng các Bộ, ngành như Công an, Công Thương, Cục Đăng kiểm... siết chặt việc đăng ký, quản lý chất lượng, nhập khẩu và đăng kiểm loại hình phương tiện này.

Theo lãnh đạo Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt, việc học sinh sử dụng xe đạp điện là khá phổ biến. Với các vi phạm, lực lượng CSGT sẽ xử phạt theo quy định. Học sinh dưới 16 tuổi đi xe đạp, xe máy điện, sẽ bị lập biên bản gửi về gia đình trường học, thông báo về địa phương để tuyên truyền giáo dục. Đối với các em học sinh từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi ngoài thông báo về gia đình, nhà trường địa phương thì lực lượng CSGT sẽ tiến hành lập biên bản và ra quyết định xử phạt, mức vi phạm sẽ bằng 1/2 mức xử phạt của người lớn.

Cũng theo vị lãnh đạo này, trong tuần qua, chỉ tính riêng lực lượng CSGT công an TP Hà Nội đã lập biên bản và xử lý trên 700 trường hợp vi phạm, trong đó có 657 trường hợp vi phạm do lỗi không đội mũ bảo hiểm.

Nguyễn Linh

Từ khoá: bảo hiểm an toàn giao thông bão học sinh dự thảo giao thông đường bộ an toàn csgt tham gia giao thông tai nạn môi trường việt nam kỹ thuật tuyên truyền tai nạn giao thông vi phạm xử phạt giao thông gia quy định phương tiện an toàn kỹ thuật

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

News - Tin tuc - RSS - ATOM - FEED