Luật của Mỹ đã dự kiến tình trạng chính quyền liên bang tê liệt một khi Quốc hội không thông qua được ngân sách.
Ngày 29-9, Hạ viện (đảng Cộng hòa chiếm đa số) nhất trí thông qua dự luật ngân sách cho phép chính phủ có nguồn chi đến ngày 15-12. Tuy nhiên, dự luật lại kèm theo điều khoản hoãn một năm thời hạn thi hành luật cải cách bảo hiểm y tế (Obamacare) mà Tổng thống Obama đang nỗ lực thúc đẩy. Thượng viện (đảng Dân chủ chiếm đa số) đã bác bỏ dự luật nêu trên của Hạ viện.
Sau đó, Hạ viện đã chuyển cho Thượng viện dự luật đã sửa đổi. Thượng viện vẫn bác. Đến đêm 30-9, Hạ viện đưa ra giải pháp tạm thời là thành lập một ủy ban đàm phán hai bên. Nghị sĩ Harry Reid lãnh đạo phe đa số Dân chủ trong Thượng viện kiên quyết không đàm phán trong tư thế "súng kề lỗ tai". Thế là tình trạng tê liệt ngân sách xảy ra.
Như vậy từ ngày 1-10, trong 2 triệu công chức liên bang, hơn 0,8 triệu người không giữ vai trò chủ chốt sẽ phải rơi vào cảnh nghỉ không lương. Trong số này có 97% nhân viên Cơ quan Hàng không và Vũ trụ, 93% nhân viên Cơ quan Bảo vệ môi trường, 87% nhân viên Bộ Thương mại. 1,3 triệu binh sĩ làm việc bình thường nhưng lãnh lương sau.
Hầu hết các công sở lớn sẽ hoạt động cầm chừng do thiếu người. Các bảo tàng liên bang và công viên quốc gia đều đóng cửa. Tại Mỹ, các bang hoạt động độc lập nên khi các cơ quan liên bang bị tê liệt, bộ máy ở các bang không bị ảnh hưởng gì nhiều với điều kiện thời gian tê liệt không kéo dài quá vài ngày. Theo Reuters, tác động của tình trạng tê liệt ngân sách đến GDP và các thị trường cũng hạn chế. Vấn đề thua thiệt lớn nhất là mất niềm tin.
Tình trạng tê liệt ngân sách cũng có thể làm vấn đề giải quyết nợ công phức tạp hơn. Dự kiến mức trần nợ công sẽ đạt 16.700 tỉ USD vào ngày 17-10 tới. Nếu Quốc hội không nâng mức trần nợ công, kho bạc sẽ không cho vay trả nợ tới hạn, lúc đó có thể xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu. Dù vậy, trước nay Quốc hội và Nhà Trắng không bao giờ để tình trạng này xảy ra.
Tình trạng tê liệt ngân sách lần này đánh dấu 33 tháng mâu thuẫn về ngân sách giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa từ khi đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện vào tháng 1-2011. Đảng Dân chủ quyết không để đảng Cộng hòa ngăn chặn luật cải cách bảo hiểm y tế bởi theo tính toán, nếu các cơ quan liên bang đóng cửa, chính quyền liên bang tê liệt thì dân sẽ đổ tội cho đảng Cộng hòa. Lúc đó, đảng Dân chủ sẽ chiếm ưu thế.
Lần tê liệt ngân sách lâu nhất và gần đây xảy ra dưới thời Tổng thống Bill Clinton. Đảng Cộng hòa ra sức ngăn chặn ngân sách đầu tư cho chương trình bảo hiểm y tế Medicare dành cho người từ 65 tuổi trở lên. Các cơ quan liên bang không chủ chốt phải đóng cửa hai lần tổng cộng 28 ngày từ tháng 11-1995 đến tháng 1-1996. Rốt cuộc 10 tháng sau, Tổng thống Bill Clinton tái đắc cử...
H.DUY
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.