Ảnh minh họa. |
Nhằm mục đích khắc phục những bất cập của quy định hiện hành về BHTG giúp nâng cao hiệu quả của hoạt động BHTG, bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống ngân hàng, ngày 18/6/2012 Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 3 đã thông qua Luật BHTG. Luật BHTG 2012 là một bước tiến lớn trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về BHTG ở Việt Nam. Đây được xem là công cụ đảm bảo cân bằng một cách hợp lý giữa chức năng quản lý nhà nước đối với BHTG, năng lực thực sự của tổ chức BHTG, lợi ích chính đáng của các tổ chức tham gia BHTG và bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người gửi tiền.
Lựa chọnmô hìnhchoBHTG
Có thể thấy, mô hình BHTG ở các nước là rất khác nhau, không có một mô hình BHTG nào có thể hoạt động hiệu quả ở mọi quốc gia. Mô hình BHTG tại một quốc gia sẽ chỉ hoạt động hiệu quả nhất khi nó phù hợp với khuôn khổ pháp lý và điều kiện kinh tế - xã hội của chính quốc gia đó.
Theo phân loại của Hiệp hội BHTG quốc tế, trên thế giới tồn tại 03 mô hình BHTG cơ bản, gồm: (i) Mô hình chi trả (tổ chức BHTG chỉ thực hiện chức năng thu phí BHTG và chi trả tiền BHTG cho người gửi tiền được bảo hiểm trong trường hợp tổ chức tham gia BHTG bị đổ vỡ); (ii) Mô hình chi trả với quyền hạn mở rộng (ngoài các chức năng của mô hình chi trả, tổ chức BHTG theo mô hình này có thêm chức năng tham gia vào quá trình xử lý tài sản của tổ chức tham gia BHTG bị đổ vỡ; (iii) Mô hình giảm thiểu rủi ro (ngoài chức năng của mô hình chi trả với quyền hạn mở rộng, tổ chức BHTG có thêm chức năng: Thanh tra, giám sát hoạt động của tổ chức tham gia BHTG; Hỗ trợ tài chính cho tổ chức tham gia BHTG khi tổ chức tham gia BHTG gặp khó khăn về khả năng chi trả; Can thiệp vào hoạt động nội bộ của tổ chức tham gia BHTG. Trong mô hình này, chức năng thanh tra, giám sát là chức năng chủ đạo, có vai trò quyết định hiệu quả của việc thực hiện chức năng hỗ trợ tài chính và chức năng can thiệp vào các công việc nội bộ của tổ chức tham gia BHTG).
Ở nước ta, trên cơ sở cân nhắc đến tính tương thích, đồng bộ với khuôn khổ pháp lý hiện hành về hoạt động ngân hàng, (Luật NHNN 2010, Luật các TCTD 2010) và thực tế hoạt động hơn 10 năm của BHTG Việt Nam cũng như cân nhắc đến lợi ích của toàn bộ nền kinh tế, khi trình Quốc hội thông qua dự án Luật BHTG, Chính phủ đã lựa chọn "mô hình chi trả với quyền hạn mở rộng" cho BHTG Việt Nam.
Không trao cho BHTG Việt Nam chức năng kiểm tra tại chỗ đối với các tổ chức tham gia BHTG về việc tuân thủ các quy định về an toàn hoạt động ngân hàng. Thay vào đó, Luật BHTG 2012 tiếp tục trao cho BHTG Việt Nam chức năng theo dõi, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về BHTG và chức năng giám sát từ xa việc chấp hành các quy định về an toàn hoạt động ngân hàng (tổng hợp, phân tích và xử lý thông tin về tổ chức tham gia BHTG nhằm phát hiện và quyền kiến nghị NHNN xử lý kịp thời những vi phạm quy định về an toàn hoạt động ngân hàng, rủi ro gây mất an toàn trong hệ thống ngân hàng). Đồng thời, với việc trao cho BHTG Việt Nam chức năng tham gia vào quá trình kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tham gia BHTG; tham gia quản lý, thanh lý tài sản của tổ chức tham gia BHTG, mô hình BHTG Việt Nam sẽ được xếp vào mô hình chi trả với quyền hạn mở rộng, và được bổ sung một số quyền hạn của mô hình giảm thiểu rủi ro.
Như vậy, trên thực tế, trước khi Luật BHTG 2012 có hiệu lực thi hành, mặc dù được trao chức năng theo dõi, giám sát và kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn trong hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG nhưng hoạt động thanh tra, giám sát của BHTG chỉ tập trung vào giám sát từ xa và kiểm tra tại chỗ việc các tổ chức tham gia BHTG tuân thủ các quy định về BHTG chứ không thực hiện thanh tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về an toàn hoạt động ngân hàng.
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, việc phân định chức năng cụ thể như trên không tạo ra sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan trong việc thanh tra, giám sát các TCTD.Việc có hai cơ quan cùng thực hiện chức năng thanh tra, giám sát an toàn hoạt động của các TCTD sẽ không những gây tốn kém chi phí xã hội khi hai cơ quan cùng thực hiện một chức năng; mà còn tạo gánh nặng cho các TCTD khi phải chịu sự thanh tra của hai cơ quan khác nhau.
Không được đầu tư vào TCTD nhà nước
Trước khi Luật BHTG 2012 có hiệu lực, tổ chức BHTG có quyền mua trái phiếu Chính phủ, trái phiếu, tín phiếu NHNN hoặc TCTD nhà nước; gửi tiền tại Kho bạc nhà nước; NHNN hoặc TCTD nhà nước. Tuy nhiên, quy định cho phép tổ chức BHTG mua trái phiếu, tín phiếu của TCTD nhà nước hoặc gửi tiền tại TCTD nhà nước là chưa hợp lý vì: (i) Tiềm ẩn rủi ro khi cho phép tổ chức BHTG gửi tiền bảo hiểm tại chính tổ chức tham gia bảo hiểm. Đồng thời, khi gửi tiền tại TCTD nhà nước, thì tổ chức BHTG trở thành người gửi tiền không được bảo hiểm;(ii) Quy định này tạo ra sự đối xử không bình đẳng giữa các TCTD; không phù hợp với định hướng tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho cả hệ thống TCTD; (iii) Không phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo thông lệ quốc tế, hoạt động đầu tư của tổ chức BHTG phải đảm bảo tuân thủ nguyên tắc đầu tiên và quan trọng nhất là bảo toàn nguồn vốn và duy trì tính thanh khoản của quỹ BHTG. Việc cho phép BHTG Việt Nam mua trái phiếu, tín phiếu của TCTD nhà nước hoặc gửi tiền tại TCTD nhà nước là hoàn toàn đi ngược lại nguyên tắc này.
Do đó, để khắc phục bất cập trên, Luật BHTG 2012 đã bỏ quy định cho phép tổ chức BHTG mua trái phiếu, tín phiếu của TCTD nhà nước, gửi tiền tại TCTD nhà nước. Quy định này là hoàn toàn hợp lý, một mặt đảm bảo duy trì khả năng sinh lời của quỹ BHTG, mặt khác đảm bảo tính ổn định và an toàn của quỹ BHTG.
Áp dụng mức chi trả bảo hiểm linh hoạt
Về mức phí bảo hiểm, hiện nay theo quy định tại Nghị định 68/2013/NĐ-CP, phí BHTG được áp dụng với mức 0,15% trên tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm cho tất cả các tổ chức tham gia BHTG. Điều này có hạn chế là cào bằng, không đảm bảo nguyên tắc thị trường theo đó TCTD nào có mức độ rủi ro cao thì phải đóng phí cao và ngược lại.
Khắc phục điều đó, Luật BHTG quy định Thủ tướng Chính phủ quy định khung phí BHTG theo đề nghị của NHNN. Căn cứ vào khung phí BHTG, NHNN quy định phí BHTG cụ thể đối với tổ chức tham gia BHTG trên cơ sở kết quả đánh giá và phân loại tổ chức này. Tuy nhiên, việc áp dụng thu phí theo mức độ rủi ro cần được nghiên cứu kỹ lưỡng đặc biệt là phải xem xét hoàn thiện hệ thống đánh giá xếp hạng các TCTD theo phương pháp CAMELS. Đây là căn cứ quan trọng để triển khai thu phí BHTG theo mức độ rủi ro. Đồng thời, một yếu tố cần cân nhắc khi triển khai thu phí BHTG theo mức độ rủi ro là trách nhiệm bảo mật thông tin đánh giá xếp hạng, tránh trường hợp lợi dụng để cạnh tranh không lành mạnh gây tổn hại đến hệ thống ngân hàng. Đây cũng là vấn đề đổi mới chính sách BHTG tại Việt Nam và đang được NHNN khẩn trương nghiên cứu để ban hành trong thời gian tới.
Về hạn mức chi trả bảo hiểm, trong điều kiện nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ nhanh, các điều kiện kinh tế - xã hội, mức thu nhập của người dân thay đổi nhanh chóng, thì việc quy định một hạn mức chi trả BHTG cứng trong luật sẽ giảm tính linh hoạt và dẫn đến tình trạng quy định trong luật không theo kịp sự thay đổi của thực tiễn, trong khi việc sửa đổi một văn bản luật không những cần nhiều thời gian mà còn gây lãng phí về kinh phí cho ngân sách nhà nước. Do vậy, Luật BHTG 2012 đã trao quyền cho Thủ tướng Chính phủ quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm theo đề nghị của NHNN trong từng thời kỳ.
Theo thông lệ quốc tế, hạn mức chi trả BHTG thường được tính trên cơ sở GDP tính trên đầu người nhân với hệ số nhất định. Mức chi trả bảo hiểm ở từng nước là khác nhau và tại một nước cũng có thể thay đổi tùy từng thời điểm. Đồng thời, việc xác định mức chi trả BHTG phải được tính toán kỹ lưỡng, luôn bám sát mục tiêu hoạt động của BHTG là bảo vệ người gửi tiền nhỏ lẻ, thiếu thông tin, bảo đảm an toàn hệ thống TCTD, tránh tình trạng lạm dụng hoạt động của BHTG để tạo ra rủi ro đạo đức khi chủ sở hữu của các TCTD thực hiện các hoạt động rủi ro hơn vì biết người gửi tiền đã được bảo hiểm.
Hiện tại, theo quy định tại Nghị định 68/2013/NĐ-CP, hạn mức BHTG hiện hành là 50 triệu đồng. NHNN đang xem xét, tính toán để xác định mức chi trả BHTG phù hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
(HTH)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.