SGTT.VN - Nếu như năm 2010, bình quân mỗi tháng có gần 16.000 người đăng ký thất nghiệp, thì đến năm 2011 là hơn 27.700 người, năm 2012 là hơn 40.000 người, ông Lê Quang Trung, phó cục trưởng, cục Việc làm (bộ Lao động, thương binh và xã hội) cho biết như vậy tại hội nghị tổng kết năm năm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) sáng ngày 10.10 tại Hà Nội.
Người lao động đăng ký BHTN và tìm việc làm tại Chi nhánh Bảo hiểm thất nghiệp quận 7, TP.HCM. Ảnh: Thanh Hảo |
Theo ông Trung, báo cáo của các trung tâm Giới thiệu việc làm đến ngày 20.9.2013 cho thấy, cả nước có hơn 1,3 triệu lượt người đăng ký thất nghiệp, bình quân mỗi tháng có hơn 114.000 người đăng ký thất nghiệp. Tuy nhiên, trong chín tháng đầu năm nay, số người đăng ký thất nghiệp có xu hướng giảm nhẹ (giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2012).
Người lao động đăng ký thất nghiệp tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như: TP.HCM (từ năm 2010 - 2012 dao động từ 30 - 32%; Bình Dương từ 20 - 25%; Đồng Nai khoảng 9 - 10%. Riêng tại Hà Nội, từ đầu năm 2010 đến hết tháng 9.2013, trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội đã tiếp nhận hơn 64.000 lao động. Tại tỉnh Bình Dương, số lao động đến đăng ký thất nghiệp năm 2011 tăng gần 37% so với năm 2010, năm 2012 so với năm 2011 tăng gần 30% và tăng gần 77% so với năm 2010. Riêng năm 2013 (đến tháng 9.2013), số người đăng ký thất nghiệp đã hơn 93% của cả năm 2010, bằng 68,4% của cả năm 2011, gần bằng 53% của cả năm 2012. Lao động đến đăng ký thất nghiệp trong những năm qua chủ yếu là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo trong các ngành nghề như: chế biến gỗ, may mặc, điện tử... chiếm hơn 93% trong tổng số lao động đến đăng ký thất nghiệp.
Điều đáng chú ý là, theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tình trạng nợ đóng BHTN vẫn còn lớn. Tính đến tháng 8.2013, số nợ đóng BHTN trên 600 tỉ đồng, trong đó phần hỗ trợ 1% từ ngân sách Nhà nước nợ gần 303 tỉ đồng và đơn vị sử dụng lao động nợ 292 tỉ đồng. Nguyên nhân nợ đóng BHTN là do tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, còn có tình trạng nợ đọng kéo dài, doanh nghiệp chây ỳ cố tình không đóng BHTN vẫn còn diễn ra ngày càng phức tạp. Đặc biệt, tình trạng doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm cho người lao động còn diễn ra, hoặc lách luật bằng cách ký hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc với người lao động dưới 12 tháng để không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Điển hình tại TP.HCM, theo phản ánh của cơ quan Bảo hiểm xã hội thành phố, hiện nay không xác định được hết số doanh nghiệp và người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn thành phố do số lượng này quá lớn.
Theo cục Việc làm, kết quả thực hiện trong gần năm năm cho thấy, số lượng người hưởng BHTN tham gia học nghề đã có sự gia tăng mạnh qua từng năm. Tuy nhiên, nếu so sánh với tổng số người đăng ký thất nghiệp và số người hưởng, thì số lượng người học nghề vẫn ở mức thấp. Đại diện của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết công tác hỗ trợ học nghề cho người lao động thất nghiệp đến nay vẫn chưa thu hút được. Số người được hỗ trợ học nghề năm 2011, 2012, mỗi năm chỉ có một người. Hầu hết người hưởng trợ cấp thất nghiệp đều được trung tâm tư vấn về học nghề, nhưng họ không mặn mà gì. Lý do là người lao động không có nhu cầu, không muốn thay đổi ngành nghề. Mặt khác, học nghề ở trình độ sơ cấp cũng chỉ đạt ở mức lương lao động phổ thông, tại một số công ty khi vào làm cũng được đào tạo lại. Bên cạnh đó, các cơ sở dạy nghề phân bổ chưa đồng đều, ngành nghề còn hạn chế không phù hợp với nguyện vọng của người lao động.
Tương tự, tại tỉnh Bình Dương, sau gần bốn năm thực hiện giải quyết chính sách BHTN, tỷ lệ lao động đăng ký học nghề trong thời gian đang hưởng trợ cấp thất nghiệp chiếm rất thấp trong tổng số lao động thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Cụ thể, năm 2010, số lao động đăng ký học nghề chiếm 0,016% so với tổng số lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp và năm 2011 chỉ chiếm 0,012% so với tổng số lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Sang năm 2012, số lao động được hỗ trợ học nghề là 352 lao động.
Mặc dù số lao động được hỗ trợ học nghề đã tăng lên đáng kể, song tỷ lệ lao động đăng ký học nghề năm 2012 cũng chỉ chiếm gần 0,46% so với tổng số lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Năm 2013 (đến tháng 9.2013), số lao động được hỗ trợ học nghề là 410 người, tăng gần 55% so với cả năm 2012, nhưng so với số người đã hưởng trợ cấp thất nghiệp thì vẫn chiếm gần 1,1%.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.