Thứ Năm, 23 tháng 1, 2014

Thông tin mới nhất về vụ "nhân bản" xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức

(DĐDN) - Trong khi dư luận vẫn đang rất hoang mang về những lời tố cáo sai phạm trong công tác xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, nhiều sự thật về hành vi phạm tội đã hé mở. Việc nhân bản xét nghiệm là có thật nhưng liệu bỏ qua hành vi phạm tội của người tố cáo có phải là một tiền lệ tốt?

Diễn biến mới nhất, trong đơn kêu cứu, ông Nguyễn Trí Liêm - nguyên Giám đốc bệnh viện cho rằng, nhiều nội dung cáo buộc chưa thực sự khách quan, ngay người tố cáo ông Liêm cũng khó có thể trối bỏ trách nhiệm.

Liệu có bỏ lọt tội

Theo cáo trạng số 49/CT-VKS-P1B của VKS Nhân dân Hà Nội hoàn tất vào ngày 15/1, sự thực không giống như những tố cáo ban đầu. Kết quả cho thấy, số tiền thiệt hại thực sự chưa đến 17 triệu đồng. Cáo trạng cũng đã xác minh được 1.544 kết quả xét nghiệm trùng, trong đó có trên 700 kết quả được đưa vào thống kê thanh toán bảo hiểm y tế và thu trực tiếp của bệnh nhân (không có bảo hiểm y tế) là 16.569.000 đồng.

Số tiền trên đã được đưa về bệnh viện chia vào khoản tiền hỗ trợ tăng thêm cho tất cả cán bộ, nhân viên trong bệnh viện. Từ lời khai của các bị can cho thấy, việc nhân bản trên là để trả cho bệnh nhân ngoại trú hoặc cho nhân viên các khoa khác với mục đích là để khoa xét nghiệm và các khoa khác đưa vào hồ sơ thanh toán bảo hiểm y tế. Kết luận của cơ quan điều tra, cáo trạng của VKS cũng khẳng định là không có hậu quả về sức khỏe, tính mạng con người trong vụ việc trên sau khi xác minh hàng trăm người có liên quan.

Kết luận này khác xa với những tố cáo ban đầu, những thông tin đồn thổi về việc bệnh viện vứt bỏ mẫu máu của bệnh nhân, dùng kết quả nhân bản trả cho bệnh nhân để điều trị, bằng việc ăn bớt này đã thu lợi bất chính hàng tỉ đồng.

Ngày 20/1, tiếp xúc với phóng viên, người dân tại Hoài Đức cho biết không bất ngờ với kết luận điều tra và cáo trạng, bởi vì họ tin tưởng rằng dù y đức xuống cấp thế nào thì bác sỹ cũng không thể ngụy tạo kết quả xét nghiệm máu dùng để điều trị cho bệnh nhân, vì khi đó cái giá phải trả là tính mạng của người bệnh. Bên cạnh đó, người dân ở đây cũng đặt vấn đề nghi ngờ về động cơ của việc tố cáo và những thông tin đồn thổi ban đầu. Nhất là người tố cáo Hoàng Thị Nguyệt vốn cũng từng tham gia vào việc "nhân bản" kết quả xét nghiệm. 

Cần làm rõ động cơ tố cáo

Kết luận điều tra cho hay, mặc dù ông Liêm không thừa nhận chỉ đạo tăng cường các xét nghiệm đối với bệnh nhân cận lâm sàng để đưa vào hồ sơ thanh toán bảo hiểm y tế, tuy nhiên, căn cứ vào lời khai của bà Nguyễn Thị Nhiên - nguyên Phó Giám đốc bệnh viện, Nguyễn Văn Mạnh - nhân viên bệnh viện... nên có căn cứ để kết luận ông Liêm là người chỉ đạo việc tăng cường các xét nghiệm và là người trực tiếp ký duyệt các chứng từ và quyết toán bảo hiểm y tế. Ông Liêm và bà Nhiên là nguyên nhân dẫn đến các sai phạm của các cán bộ, nhân viên khoa xét nghiệm, gây hậu quả, dư luận xấu trong xã hội. Kết luận điều tra cũng nhận định rằng ông Liêm và bà Nhiên đã hướng dẫn và chỉ đạo cán bộ cấp dưới về cách thức khai báo nhằm đối phó với cơ quan điều tra... từ đó có đủ căn cứ, yếu tố cấu thành tội: Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Về những nhận định này của cơ quan điều tra, ông Liêm cho rằng không khách quan, thiếu căn cứ vì "Qua các cuộc họp và giao ban hàng ngày, và qua báo cáo các đợt kiểm tra của đoàn kiểm tra, tôi không được nghe bất kỳ ai phản ánh (trước ngày 21/5/2013)"- ông Liêm viết trong đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng Hà Nội. Ông Liêm cũng khẳng định lời khai của nhân viên Nguyễn Văn Mạnh về việc "lấy kết quả xét nghiệm trùng, không có bệnh phẩm xét nghiệm... tăng thu nhập cho bệnh viện là chủ trương ban giám đốc" là không đúng sự thực và không có căn cứ. Ông Liêm đề nghị, vấn đề liên quan đến trách nhiệm của ông phải được làm rõ một cách khách quan.

Các luật sư tại Hà Nội khi được hỏi thì cũng đều có chung quan điểm là vụ việc này khi tiến hành tố tụng cần phải khách quan, không chịu sức ép từ dư luận. Làm rõ khái niệm hậu quả nghiêm trọng là như thế nào, bởi vì nếu số tiền bị chiếm đoạt (không tư túi cá nhân) chưa đến 17 triệu đồng, không gây hậu quả về mặt tính mạng con người thì có thể coi là nghiêm trọng hay không thì cần phải làm rõ một cách khách quan nhất.

Liên quan đến ông Liêm, các luật sư cho rằng, nếu chỉ dựa vào lời khai của bị can khác là chưa đủ, cần phải có các tài liệu dẫn chứng khác là văn bản thể hiện có sự chỉ đạo, hay đồng tình của lãnh đạo bệnh viện thì mới đảm bảo sự khách quan, chặt chẽ. Nếu nói là "chủ trương của ban giám đốc" thì chủ trương đó được thể hiện ở đâu, văn bản nào? Tất cả những người liên quan vấn đề này cần phải được làm rõ.

Theo các luật sư thì việc không khởi tố đối với bà Hoàng Thị Nguyệt, rồi đình chỉ điều tra đối với bị can Phan Thị Oanh (những người tố cáo và cũng là những người có sai phạm, nhân bản xét nghiệm) của cơ quan tiến hành tố tụng vừa qua là chưa hợp lý bởi công và tội là hai phạm trù tách bạc. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, xử người này rồi tha cho người khác, chưa thể hiện sự công minh của pháp luật.

Nhóm PVPL

facebooktwittergoogleChia sẻ tin lên LinkHay.com

Từ khoá: thanh toán bảo hiểm kết quả không có bảo hiểm bảo hiểm bệnh nhân giám đốc bão bệnh viện nhân viên nghiêm trọng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

News - Tin tuc - RSS - ATOM - FEED