Thứ Ba, 7 tháng 1, 2014

Ba năm "gỡ"... chưa hết "rối"

(HNM) - Đến nay, các bộ, ngành đã đơn giản được 3.921/4.751 thủ tục hành chính (TTHC), đạt 82,5%. Đây là tỷ lệ khá cao. Song nếu nhìn lại sẽ thấy, tốc độ hoàn thành việc đơn giản hóa TTHC đang chậm lại.

 

Tháng 9-2012, các bộ, ngành đã hoàn thành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành để đơn giản hóa 3.779 TTHC (đạt 80%) nhưng đến tháng 11-2013 mới chỉ "nhích" thêm được 2,5%. Trong số 830 TTHC chưa hoàn thành tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Tại các buổi làm việc của Cục Kiểm soát TTHC với các bộ, ngành về vấn đề này, ý kiến cho rằng, nguyên nhân chậm là do có nhiều TTHC được quy định trong luật, pháp lệnh hay nhiều thủ tục hoặc bộ phận cấu thành được quy định trong các văn bản liên tịch, liên quan đến nhiều cơ quan nên việc thực hiện đơn giản hóa chưa bảo đảm tiến độ. Điều đáng nói là việc sẽ gặp vướng mắc trong đơn giản hóa TTHC liên quan đến nhiều quy định, pháp lệnh và các văn bản liên quan đã được các chuyên gia tiên lượng từ trước.

Tuy nhiên, đã ba năm thực hiện nghị quyết, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với nhiều giải pháp được triển khai mà vẫn chưa tháo gỡ hết vướng mắc là điều phải suy ngẫm. Trong khi đó, một số bộ, ngành vẫn chưa thực sự coi công tác lãnh đạo, tổ chức thực thi phương án đơn giản hóa TTHC là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách và chưa chủ động phối hợp dẫn đến sự thiếu đồng bộ trong sửa đổi, bổ sung văn bản có liên quan.

Điều đó cũng giải thích được phần nào lý do người dân, doanh nghiệp vẫn phàn nàn các vấn đề liên quan đến TTHC. Thước đo về kết quả đơn giản hóa TTHC nói riêng và kết quả CCHC nói chung chính là sự hài lòng của người dân. Vì vậy, chừng nào việc thực hiện đơn giản các TTHC còn chưa "gỡ" được các rào cản thì người dân chưa thể thụ hưởng đầy đủ quyền lợi của mình.

Từ khoá: quy định thủ tục hành chính đầu tư bảo hiểm bảo hiểm xã hội việt nam bảo hiểm xã hội người dân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

News - Tin tuc - RSS - ATOM - FEED