Thứ Ba, 7 tháng 1, 2014

Bảo hiểm hưu trí tự nguyện trong hoạch định kế hoạch tài chính hưu trí

ThS. Lương Xuân Trường (Theo Tạp chí Tài chính - Bảo hiểm)

(Tài chính) Mỗi người sinh ra phần lớn đều trải qua các giai đoạn khác nhau của cuộc đời, gói gọn trong mấy chữ "sinh, lão, bệnh, tử". Xét về phương diện tài chính, cuộc đời mỗi con người có thể chia thành các giai đoạn: còn nhỏ và sống phụ thuộc vào cha mẹ, trưởng thành và độc thân, có gia đình, có con, chuẩn bị nghỉ hưu và nghỉ hưu. Tương ứng với mỗi giai đoạn này, con người có những nhu cầu tài chính và khả năng thu nhập khác nhau.

Bảo hiểm hưu trí tự nguyện trong hoạch định kế hoạch tài chính hưu trí

Con người có những nhu cầu tài chính và khả năng thu nhập khác nhau trong giai đoạn nghỉ hưu. Nguồn: internet

Đồ thị dưới đây biểu thị mối tương quan giữa nhu cầu tài chính và khả năng thu nhập của một người. Hình dưới đây minh hoạ cho người làm công ăn lương và được hưởng bảo hiểm xã hội nhưng mối tương quan giữa nhu cầu tài chính và khả năng thu nhập này về cơ bản cũng đúng với những người không làm công ăn lương.

Có thể thấy, trong vòng đời của mỗi người có sự không tương hợp giữa nhu cầu tài chính và thu nhập. Chẳng hạn, ở giai đoạn đầu của cuộc đời, mỗi người thường cần nhu cầu tài chính khá lớn trong khi chưa thể tạo ra thu nhập, do vậy họ phải sống dựa vào cha mẹ, người thân. Ngược lại, trong giai đoạn trưởng thành, mỗi người có thể kiếm được thu nhập nhiều hơn so với nhu cầu tài chính của bản thân.

Sau đây chúng ta tập trung xem xét phương diện tài chính trong giai đoạn nghỉ hưu của một người.

Về nhu cầu tài chính trong giai đoạn nghỉ hưu

Khi bước vào giai đoạn nghỉ hưu, với mỗi người trách nhiệm cung cấp tài chính cho con cái thường không còn nhiều do con cái đã trưởng thành và sống độc lập, các khoản nợ (như khoản nợ mua nhà, mua xe...) thường đã được thanh toán xong... Trong giai đoạn này nhu cầu tài chính lớn nhất đối với mỗi người là đảm bảo cuộc sống sau nghỉ hưu với mức sống tương đương hoặc gần tương đương so với trước khi nghỉ hưu cũng như theo kịp mức sống chung của xã hội.

Đáng chú ý, trong điều kiện lạm phát cao thì nhu cầu tài chính đảm bảo cuộc sống càng là nhu cầu trọng yếu và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng nhu cầu tài chính giai đoạn này. Thêm vào đó, khi đời sống xã hội được nâng cao, nhu cầu du lịch, giải trí, theo đuổi sở thích cá nhân, thăm viếng bạn bè, người thân... cũng chiếm một phần khá lớn trong nhu cầu tài chính sau tuổi nghỉ hưu.

Đặc biệt, nhu cầu chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh là một nhu cầu rất lớn và ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nhu cầu tài chính sau tuổi nghỉ hưu vì khi độ tuổi ngày càng cao thì sức khỏe ngày càng suy giảm, sự lão hóa gia tăng và bệnh tật phát triển trong khi chi phí cho các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khoẻ ngày càng tăng (do ảnh hưởng của lạm phát và xuất hiện những phương pháp điều trị mới hiệu quả hơn nhưng cũng tốn kém hơn).

Trong giai đoạn cuối đời, có thể phát sinh nhu cầu tài chính rất lớn cho sự chăm sóc đặc biệt, và tiếp đến là chi phí mai táng, hậu sự. Ngoài ra, trong giai đoạn này mỗi người thường có mong muốn hoàn thành thanh toán các khoản nợ, các chi phí và trách nhiệm tài chính phát sinh sau cái chết của mình cũng như để lại di sản thừa kế cho con cháu.

Thu nhập trong giai đoạn nghỉ hưu

Theo hướng ngược lại với nhu cầu tài chính, trong giai đoạn nghỉ hưu thu nhập giảm sút đáng kể ngay sau thời điểm bắt đầu nghỉ hưu (đặc biệt là với những người làm công ăn lương) và ngày càng giảm dần theo thời gian.

Trong đoạn này, với những người không có bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm hưu trí tự nguyện hay bảo hiểm hưu trí bổ sung thì thu nhập đến từ các nguồn:

Thứ nhất, thu nhập đầu tư, lãi tiền gửi tiết kiệm từ những tài sản đã tích luỹ được trong thời gian làm việc và tiền bán dần các tài sản này. Cùng với thời gian và với ảnh hưởng của lạm phát, khoản thu nhập đầu tư, lãi tiền gửi tiết kiệm và tiền bán những tài sản này sẽ giảm dần theo thời gian. Trong trường hợp sống thọ hoặc tài sản tích luỹ ít hay nhu cầu tài chính sau nghỉ hưu lớn thì đến một thời điểm nào đó thì những tài sản tích luỹ này có thể hết.

Thứ hai,tiền lương hưu, đối với những người được hưởng bảo hiểm xã hội. Tuy vậy, có thể thấy với chính sách bảo hiểm xã hội hiện tại của Việt Nam và trong điều kiện lạm phát khá cao trong khi sự điều chỉnh lương hưu không theo kịp, tiền lương hưu ngày càng nhỏ bé so với nhu cầu tài chính trong giai đoạn nghỉ hưu, và do vậy khó đảm bảo mức sống hợp lý cho người hưởng lương hưu, nhất là không theo kịp sự cải thiện trong mức sống chung của xã hội. Thực tế cho thấy, tình trạng lương hưu không theo kịp nhu cầu cuộc sống sau nghỉ hưu không chỉ là vấn đề ở Việt Nam mà là tình trạng chung ở hầu hết các nước, kể cả các nước phát triển.

Thứ ba, khoản hỗ trợ tài chính của con cháu, người thân, bạn bè. "Trẻ cậy cha, già cậy con" là truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, theo đó con cái có bổn phận chăm sóc bố mẹ khi bố mẹ bước vào tuổi già, khả năng lao động suy giảm. Tuy vậy, nguồn thu nhập này không ổn định, không đảm bảo, thậm chí không có vì phụ thuộc vào điều kiện tài chính, hoàn cảnh của những người thân, bạn bè. Ngoài ra, việc phụ thuộc tài chính vào con cháu, người thân có thể cũng tạo ra những tác động tiêu cực đối với tâm lý, đời sống tinh thần của người được cung cấp tài chính.

Thứ tư, thu nhập từ làm thêm, trợ cấp xã hội, trợ cấp từ các quỹ từ thiện... Đối với những người không có bảo hiểm xã hội và/hoặc có nguồn tài chính eo hẹp hay muốn cải thiện thu nhập thì vẫn phải tiếp tục làm việc sau tuổi nghỉ hưu. Chỉ có một số ít cá nhân làm việc sau tuổi nghỉ hưu không phải với mục đích gia tăng thu nhập mà chủ yếu tìm niềm vui, ý nghĩa trong cuộc sống và cống hiến cho xã hội.

Tuy nhiên, có thể thấy do sức khoẻ ngày càng giảm sút theo tuổi tác và trình độ chuyên môn, kiến thức ngày càng lạc hậu so với sự phát triển của xã hội, thu nhập từ làm thêm ngày càng giảm. Trong khi đó, các khoản trợ cấp xã hội, trợ cấp từ các quỹ từ thiện thường chỉ dành cho người nghèo hoặc đặc biệt khó khăn.

Những thách thức về tài chính đối với giai đoạn nghỉ hưu

Qua phân tích nhu cầu tài chính và thu nhập trong giai đoạn nghỉ hưu, có thể thấy thách thức lớn nhất đối với mỗi người trong độ tuổi này là thu nhập không đủ đáp ứng nhu cầu tài chính cho cuộc sống, đặc biệt là khi tuổi ngày càng cao. Với xu thế tuổi thọ chung ngày càng tăng thì thách thức này lại càng lớn hơn[1]. Xét từ phương diện quốc gia, tuổi thọ gia tăng cũng tạo thêm gánh nặng ngày càng lớn đối với quỹ bảo hiểm xã hội, ngân sách nhà nước và toàn xã hội.

Thêm vào đó, người ở độ tuổi nghỉ hưu cũng gặp thách thức ngày càng lớn trong việc quản lý, đầu tư tiền bạc, tài sản để đảm bảo cho cuộc sống của mình. Đó là, khi độ tuổi tăng lên thì sức khoẻ, trí tuệ, kiến thức cũng giảm dần theo tuổi tác dẫn tới khả năng quản lý và thực hiện đầu tư tài sản cũng giảm dần trong khi đó lãi suất đầu tư có xu hướng ngày càng giảm, rủi ro thị trường tài chính gia tăng, làm gia tăng rủi ro đầu tư.

Điều này dẫn đến người nghỉ hưu khó có khả năng tự đáp ứng nhu cầu tài chính và đảm bảo cuộc sống. Hơn thế nữa, với xu hướng gia đình hạt nhân với số con ít ngày càng phổ biến thì sự hỗ trợ tài chính từ con cháu, người thân ngày càng có xu hướng giảm, làm cho nhu cầu độc lập, tự chủ, tự do về tài chính trong giai đoạn nghỉ hưu ngày càng cấp thiết.

Giải pháp tài chính hữu hiệu cho giai đoạn nghỉ hưu

Để giúp các cá nhân có đủ nguồn tài chính vững chắc và tự chủ về tài chính để đảm bảo cuộc sống phù hợp với mức sống chung của xã hội, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước, người thân và toàn xã hội, mỗi người cần hoạch định kế hoạch tài chính tuổi nghỉ hưu cho mình càng sớm càng tốt bên cạnh hệ thống bảo hiểm xã hội của nhà nước và quỹ hưu trí bắt buộc của người sử dụng lao động.

Ngân hàng Thế giới đã đưa ra khái niệm 5 trụ cột (4 trụ cột tài chính và 1 trụ cột phi tài chính) nhằm đảm bảo tài chính cho cuộc sống nghỉ hưu của mỗi cá nhân như sau[2]:

- Trụ cột 0 - phi đóng góp (non-contributory "zero pillar" ) - Hệ thống bảo hiểm hưu trí cung cấp bảo hiểm hưu trí cơ bản với mức bảo vệ tối thiểu cho mọi công dân với mục tiêu chủ yếu là giảm nghèo. Hệ thống hưu trí này thường do chính quyền nhà nước (trung ương hoặc địa phương) đài thọ;

- Trụ cột 1 - bắt buộc (mandatory "first pillar" ) - Bảo hiểm hưu trí bắt buộc với mức đóng góp gắn với thu nhập nhằm thay thế một phần thu nhập trước khi nghỉ hưu;

- Trụ cột 2 - bắt buộc (mandatory "second pillar") - Khoản tiết kiệm cá nhân dành cho hưu trí (dưới hình thức mức đóng góp xác định);

- Trụ cột thứ 3 - tự nguyện (voluntary "third pillar" ) - dưới các hình thức như tiết kiệm cá nhân dành cho hưu trí, thương tật, tử vong; các quyền lợi được người sử dụng đài thọ...

- Trụ cột thứ 4 - phi tài chính (non-financial "fourth pillar" ) - đó là các hỗ trợ phi chính thức (chẳng hạn hỗ trợ từ gia đình), các chương trình hỗ trợ xã hội chính thức khác (như chăm sóc sức khoẻ và/hoặc nhà ở), và các tài sản tài chính và phi tài chính khác của cá nhân (như quyền sở hữu nhà).

Các trụ cột trên đã được các nước từng bước thực hiện. Đặc biệt ở một số nước phát triển, cả 5 trụ cột đã được thực hiện mặc dù có trụ cột mới được thực hiện ở mức độ nhất định.

Tại Việt Nam, theo đà phát triển kinh tế, Nhà nước đã và đang dần hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để từng bước triển khai các trụ cột đảm bảo tài chính nhằm đảm bảo tài chính cho cuộc sống nghỉ hưu của nhân dân. Đến nay Trụ cột 1 đã được thực thi với người lao động. Trụ cột 3 dự kiến được thực hiện thông qua bảo hiểm hưu trí bổ sung, bảo hiểm hưu trí tự nguyện kèm theo những ưu đãi, khuyến khích về thuế thu nhập cá nhân.

Như vậy, với những người làm công ăn lương (và được hưởng bảo hiểm xã hội) sẽ được bảo vệ tài chính theo Trụ cột 1, và thêm vào đó, có thể tự chuẩn bị tài chính cho tuổi nghỉ hưu của mình theo Trụ cột 3 và một phần Trụ cột 4. Tuy nhiên, với những người không được hưởng bảo hiểm xã hội thì đến nay chỉ có Trụ cột 3 và một phần Trụ cột 4.

Bảo hiểm hưu trí tự nguyện

Dưới đây sẽ tập trung phân tích sâu hơn về bảo hiểm hưu trí tự nguyện với tư cách là một công cụ hoạch định kế hoạch tài chính cho tuổi nghỉ hưu.

Hình 2 dưới đây miêu tả nhu cầu tài chính và thu nhập trong cuộc đời mỗi người sau khi tham gia bảo hiểm hưu trí tự nguyện.

Trong giai đoạn có thu nhập, một phần thu nhập được dùng để đóng bảo hiểm hưu trí tự nguyện. Do số tiền đóng góp này thường chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng thu nhập nên chỉ làm giảm một phần khá nhỏ tổng thu nhập trước tuổi nghỉ hưu. Ngược lại, trong giai đoạn nghỉ hưu thu nhập từ bảo hiểm hưu trí tự nguyện có thể bù đắp được phần lớn thiếu hụt tài chính cho giai đoạn này, đảm bảo cuộc sống tự chủ về tài chính và theo kịp mức sống chung nếu mỗi cá nhân lựa chọn chương trình hưu trí tự nguyện và mức đóng góp phù hợp.



[1]  Tuổi thọ trung bình  của người Việt Nam năm 2012 khoảng 73 tuổi. Theo "Toàn cảnh Dân số thế giới, 2008" của Liên hợp quốc, vào năm 2050, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam sẽ là 80,4 trong đó nữ là 82,5 tuổi, nam là 78,2 tuổi.

[2] Robert Holzmann and Richard Hinz, The World Bank (2005). Old-Age Income Supportin the 21st Century: An International Perspective on Pension Systems and Reform

Những lợi ích chính đối với người tham gia bảo hiểm hưu trí tự nguyện là:

- Có thể thực hiện hoạch định kế hoạch tài chính và chi tiêu một cách kỷ luật, hiệu quả và chắc chắn cho tuổi nghỉ hưu. Khi được kết hợp với các trụ cột tài chính khác, bảo hiểm hưu trí tự nguyện góp phần đảm bảo cuộc sống sau nghỉ hưu, vượt qua được rủi ro thiếu hụt tài chính trong giai đoạn nghỉ hưu, đặc biệt là khi sống thọ.

- Không phải tự mình thực hiện việc quản lý và đầu tư tài sản, do đó có thể trút bỏ những lo lắng, vất vả khi phải tự thực hiện quản lý và đầu tư tài sản phục vụ cho cuộc sống hưu trí, từ đó yên tâm hưởng thụ cuộc sống sau nghỉ hưu.

- Có thể được hưởng giá trị đầu tư lớn hơn so với việc tự đầu tư do các tổ chức cung cấp bảo hiểm hưu trí tự nguyện có chuyên môn cao và có nhiều thông tin hơn cá nhân trong quản lý, đầu tư đồng thời các tổ chức này quản lý quỹ đầu tư lớn nên có thể đạt được hiệu quả đầu tư cao hơn. Thêm vào đó, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cũng đem lại quyền lợi, dịch vụ tốt hơn cho khách hàng.

- Được hưởng ưu đãi nhất định về thuế như được miễn một phần thuế thu nhập đối với khoản tiền đóng bảo hiểm hưu trí, trì hoãn thu thuế đối với khoản tiền đóng bảo hiểm hưu trí, miễn, giảm thuế đối với tiền hưu trí được nhận. Tại Việt Nam, theo quy định hiện nay thì khoản tiền đóng bảo hiểm hưu trí tự nguyện do người sử dụng lao động đóng cho người lao động được trì hoãn đóng thuế[1] và khoản tiền đóng bảo hiểm hưu trí do cá nhân tự đóng sẽ được khấu trừ trước khi tính thu nhập chịu thuế với mức khấu trừ tối đa 1 triệu đ/tháng.

Tóm lại, nếu ví cuộc đời con người như một cây cầu thì giai đoạn hưu trí giống như nhịp cầu cuối cùng. Để bước qua nhịp cầu cuối này một cách thanh thản, an nhàn thì mỗi người cần hoạch định, chuẩn bị sẵn cho mình nguồn tài chính đầy đủ và vững chắc cho tuổi nghỉ hưu. Việc chuẩn bị tài chính cho giai đoạn nghỉ hưu cần được thực hiện càng sớm càng tốt, và bảo hiểm hưu trí tự nguyện là một trong những công cụ hữu hiệu, thiết thực để mỗi người chuẩn bị nguồn tài chính cho tuổi nghỉ hưu.

Từ khoá: tham gia bảo hiểm đồng bảo hiểm trợ cấp phát triển lao động bảo hiểm hưu trí bắt buộc nhà nước lương hưu bảo vệ tài chính người tham gia bảo hiểm gia đảm bảo tài chính bảo hiểm đóng góp sức khỏe người lao động quản lý quỹ công an cung cấp bảo hiểm gia tăng giải pháp tài chính cá nhân quỹ bảo hiểm tự nguyện bão chính sách bảo hiểm tài sản không có bảo hiểm cung cấp nhu cầu tài chính chăm sóc sức khoẻ bảo hiểm nhân thọ tích lũy tiết kiệm kế hoạch tài chính kế hoạch việt nam hiệu quả doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tài chính giảm rủi ro gia tăng rủi ro nhu cầu bảo hiểm xã hội doanh nghiệp bảo hiểm thách thức chi phí thị trường tài chính người sử dụng lao động gia đình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

News - Tin tuc - RSS - ATOM - FEED