Năm 2013, ngành y tế đã đạt được được nhiều thành tựu nổi bật trong các lĩnh vực như dự phòng, khám chữa bệnh, quản lý thuốc... Tuy nhiên, thời gian qua, đã xảy ra một số vấn đề về tai biến y khoa kiến cho người dân băn khoăn, lo lắng về chất lượng công tác khám chữa bệnh. Trước thực tế đó, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến về những biện pháp cũng như công tác trọng tâm của ngành y tế năm 2014.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: TTXVN |
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Năm 2013, mặc dù có rất nhiều khó khăn nhưng ngành y tế đã hoàn thành tất cả các chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội, Chính phủ giao, đặc biệt là các Mục tiêu Thiên niên kỷ về giảm tử vong mẹ, giảm chết trẻ em, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em.
Thành tựu nổi bật đầu tiên chính là kiểm soát và khống chế tốt các dịch bệnh trên toàn quốc; ngăn ngừa thành công các dịch bệnh mới nổi từ bên ngoài, không để thâm nhập vào Việt Nam. Kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm đã đi vào nề nếp, số vụ ngộ độc thực phẩm giảm; kiềm chế được tỷ lệ nhiễm mới HIV/AIDS.
Ngành y tế cũng đã đạt được kết quả bước đầu về giảm quá tải bệnh viện. Bộ đã triển khai quyết liệt các đề án nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho tuyến dưới, giảm tình trạng vượt tuyến, chuyển tuyến không cần thiết như: "Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2020"; "Đề án xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sỹ gia đình giai đoạn 2012-2020". Một số cơ sở khám chữa bệnh đã được cải tạo, nâng cấp và đưa vào sử dụng; nhờ đó đã tăng thêm 6% số giường bệnh so với năm trước, bước đầu góp phần giảm quá tải bệnh viện.
Thành tựu tiếp theo là chất lượng khám bệnh, chữa bệnh đã được cải thiện nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh; hơn 300 phác đồ điều trị và gần 3.000 quy trình kỹ thuật đã được ban hành và triển khai ở các cơ sở khám chữa bệnh... Đồng thời, Bộ Y tế đã ban hành Tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện với 83 tiêu chí, làm cơ sở xếp hạng bệnh viện trong thời gian tới, nhằm chuẩn hóa việc đánh giá chất lượng bệnh viện phù hợp với điều kiện Việt Nam và hội nhập quốc tế.
Ngoài ra, ngành y tế còn đạt được nhiều kết quả khác như: Bảo hiểm y tế có bước phát triển lớn về diện bao phủ và quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế; bước đầu về đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính y tế ở các đơn vị sự nghiệp y tế công lập; thực hiện thành công các giải pháp về quản lý thuốc...
Tuy nhiên, năm 2013, ngành y tế cũng gặp nhiều khó khăn như: cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các cơ sở khám chữa bệnh hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và yêu cầu khám chữa bệnh của người dân; vẫn còn 30% dân số chưa tham gia bảo hiểm y tế, trong đó phần lớn là những người thuộc nhóm bảo hiểm y tế tự nguyện; chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh ở tuyến cơ sở còn hạn chế.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát an toàn thực phẩm, đặc biệt là thức ăn đường phố, thực phẩm nhập khẩu qua đường tiểu ngạch ở một số địa phương còn nhiều bất cập; tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến sức khỏe người dân; nguồn kinh phí cho y tế ngày càng hạn hẹp. Một số nơi chưa làm tốt việc xã hội hóa hoạt động y tế dẫn đến việc lạm dụng kỹ thuật cao; thái độ ứng xử không tốt của một số thầy thuốc xảy ra tại một vài cơ sở y tế (công lập và ngoài công lập) trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến ngành y tế...
* Phóng viên: Bên cạnh sự tận tụy, cố gắng của đội ngũ thầy thuốc đang ngày đêm làm công tác cứu chữa người bệnh, trong năm qua đã xảy ra một số vụ việc khiến dư luận có cái nhìn chưa công bằng về nghề y, Bộ Y tế đã có những biện pháp gì để tiếp tục củng cố lòng tin của người dân, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Toàn ngành y tế hiện có khoảng 400 ngàn cán bộ y tế. Hầu hết họ đều hết lòng và tận tâm chăm sóc người bệnh, nhiều người đã không quản khó khăn, thiếu thốn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nghề y là một nghề nhân đạo, cứu người và không một bác sỹ nào khi khám chữa bệnh lại mong người bệnh tử vong. Trong y học, có những sự cố do nguyên nhân khách quan, nằm ngoài khả năng của người thầy thuốc và cũng có thể do sự bất lực của y học nhưng cũng có sự cố do sai sót của cán bộ y tế gây ra.
Đối với các trường hợp vi phạm chuyên môn, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, quan điểm của Bộ Y tế là xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, không dung túng, bao che, tuân thủ các quy định pháp luật, nhưng cũng phải đúng thẩm quyền quản lý, bởi vì việc quản lý y tế đã được phân công, phân cấp.
Bộ Y tế đã triển khai các biện pháp chấn chỉnh về tinh thần trách nhiệm nghề nghiệp, thái độ, ứng xử của nhân viên y tế trong các cơ sở khám chữa bệnh. Lần đầu tiên Bộ đã tổ chức 11 lớp tập huấn về kỹ năng giao tiếp, ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho 5.042 chủ chốt các bệnh viện trên toàn quốc; tiếp tục củng cố và phát huy hiệu quả của Đường dây nóng (qua Tổng đài Đường dây nóng của Bộ Y tế, số điện thoại 0973 306 306) trong việc xử lý những bất cập về thái độ, đạo đức nghề nghiệp của viên chức ở các bệnh viện; đồng thời phát hiện những tấm gương y bác sỹ hết lòng vì người bệnh.
Để củng cố lòng tin của nhân dân đối với công tác y tế, Bộ Y tế đặc biệt chú trọng đến nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thông qua việc triển khai các giải pháp nhằm tăng số giường bệnh/1 vạn dân; tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình bệnh viện, đưa vào sử dụng để tăng số giường bệnh cho các cơ sở y tế.
Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo chặt chẽ các bệnh viện triển khai nghiêm túc, hiệu quả việc quản lý chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tại bệnh viện; đẩy mạnh hoạt động của Bộ môn y đức trong các cơ sở đào tạo y dược; triển khai các lớp tập huấn về kỹ năng giao tiếp, quy tắc ứng xử; phát huy hiệu quả của Đường dây nóng . Ban hành và triển khai Thông tư quy định về quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức, người lao động tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy chế chuyên môn, quy tắc ứng xử trong các cơ sở khám chữa bệnh; có các hình thức khen thưởng cho các tập thể và cá nhân có thành tích.
* Phóng viên: Trong năm 2014, ngành y tế sẽ làm gì để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Năm 2014, ngành y tế sẽ tập trung nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, "lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động khám bệnh và điều trị". Cụ thể là triển khai các giải pháp đồng bộ để giải quyết tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên; triển khai các Đề án để nhằm nâng cao năng lực cho bệnh viện tuyến tỉnh; nâng cao y đức, tinh thần thái độ phục vụ người bệnh; duy trì và phát huy hiệu quả tác dụng của Đường dây nóng. Đồng thời, triển khai Thông tư quy định về quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức, người lao động tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập ngay sau khi Thông tư được ban hành.
Bên cạnh đó, ngành y tế tiếp tục thực hiện các giải pháp đổi mới cơ chế tài chính y tế, xây dựng và thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế tiến tới giá dịch vụ y tế phải được tính đúng, tính đủ; tập trung thực hiện Lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân; mở rộng bảo hiểm y tế cả về độ bao phủ, gói dịch vụ và khả năng bảo vệ tài chính cho các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; tăng cường y tế cơ sở về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực để thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, kiểm soát các vấn đề về dân số, phòng chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Ngành y tế cũng sẽ triển khai các giải pháp phát triển nhân lực y tế cho miền núi, vùng sâu, vùng xa, nông thôn và các vùng khó khăn; nâng cao chất lượng nhân lực y tế, từng bước bảo đảm nhu cầu cơ bản về nhân lực ở các tuyến (trạm y tế xã có bác sỹ làm việc), nâng cao trình độ chuyên môn của các cán bộ y tế làm nhiệm vụ khám, chữa bệnh để tránh tối đa các sai sót chuyên môn kỹ thuật... Đồng thời, thực hiện việc đa dạng hóa các loại hình khám chữa bệnh; phát triển một số lĩnh vực y học chất lượng cao, y học mũi nhọn phù hợp với điều kiện và khả năng của Việt Nam; thực hiện thí điểm khám chữa bệnh theo nhu cầu để đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân.
Phóng viên: Xin trân trọng cám ơn Bộ trưởng!
Thu Phương (thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.