Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2013

Thuốc nội: phải thuyết phục bằng chất lượng

Ngày 20-12, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế đã tổ chức lễ ra mắt chương trình truyền thông Con đường thuốc Việt.

Các chuyên gia về dược cho rằng cần đầu tư nghiên cứu và tập trung vào các mặt hàng thuốc chiến lược chứ không phải sản xuất giẫm chân nhau để rồi cạnh tranh với thuốc ngoại nhập và tự cạnh tranh với nhau. Các tập đoàn đa quốc gia thường trích 12% doanh thu hằng năm để nghiên cứu sản xuất nhiều thuốc mới. Còn chúng ta thuốc mới rất hiếm, công nghệ bao bì cũng không hấp dẫn.

Phải đầu tư mới có chất lượng

PGS-TS-BS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, khẳng định để thuốc Việt phát triển, ngoài các giải pháp về chính sách, thương mại thì cần có giải pháp về kỹ thuật. Các doanh nghiệp cần nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường nghiên cứu khoa học, đánh giá sinh khả dụng và tính tương đương sinh học với thuốc ngoại. Nhất là phải chứng minh rằng thuốc Việt có chất lượng cao, hình thức bao bì đẹp, giá thành rẻ.

Doanh nghiệp dược phải chứng minh thuốc mình chất lượng thì người dân mới tin dùng. Ảnh: TÙNG SƠN

Đồng tình, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng muốn cho người dân tin tưởng và sử dụng thuốc Việt, điều đầu tiên là yếu tố chất lượng chứ không phải là giá cả. Thực tế, thuốc chiếm thị phần nhiều ở các BV thuộc về những doanh nghiệp tập trung đầu tư cao cho chất lượng và có thử tương đương sinh học với thuốc gốc. Những công ty đầu tư vào chất lượng, vào thuốc đặc trị mà thị trường còn thiếu thì mới thành công chứ không phải đầu tư trùng lặp vào những mặt hàng thông thường.

PGS-TS Lê Văn Truyền cũng cho rằng thuốc Việt cần phải chứng minh chất lượng chứ không phải kêu gọi suông. Bản thân doanh nghiệp phải truyền thông và chứng minh bằng những dữ liệu khoa học là thuốc của mình tương đương thuốc ngoại về sinh học, điều trị... Muốn làm chuyện này doanh nghiệp buộc phải đầu tư. Chẳng hạn làm tương đương sinh học giữa thuốc nội và ngoại, chi phí là 500 triệu đồng, đánh giá chất lượng điều trị giữa thuốc nội và ngoại trên khoảng 100 bệnh nhân ở một BV chi phí 100-200 triệu đồng. Doanh nghiệp phải xem đó là đầu tư cho phát triển, còn nếu nói mà không có bằng chứng thì rất khó thuyết phục bác sĩ và người dân.

"Khi tôi cố vấn cho một doanh nghiệp có trình độ khoa học công nghệ cao, các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia đã ký hợp đồng hợp tác sản xuất để đưa thuốc ra nước ngoài, chúng tôi đã thử nghiệm tương đương điều trị ở một BV trung ương. Sau khi thử nghiệm xong, BV này đã công bố những thuốc chúng tôi sản xuất tương đương điều trị với thuốc nhập khẩu cùng loại" - ông Truyền nói.

Trả lời câu hỏi, hiện nay thuốc Việt chất lượng không, ông Truyền cho biết hiện Việt Nam có khoảng 2.000 hoạt chất, sản xuất khoảng 30.000 mặt hàng thuốc. "Tôi không thể kết luận là 30.000 mặt hàng thuốc này đều chất lượng. Cũng không thể nói trong một doanh nghiệp, thuốc của họ đều đạt tiêu chuẩn cả. Chúng tôi đang xây dựng tiêu chí bình chọn mà tiêu chí quan trọng nhất là hiệu quả điều trị của thuốc đó" - ông Truyền cho biết thêm.

Ưu tiên thuốc Việt bằng siết kê đơn

Theo PGS Phong Lan, quan trọng nhất là tác dụng điều trị của thuốc, chính các bác sĩ qua quá trình sử dụng mới có thể rút ra kinh nghiệm và đánh giá.

Chúng tôi đặt câu hỏi rằng người dân không dùng thuốc Việt là do bác sĩ không kê đơn, điều này liên quan đến việc hưởng hoa hồng thuốc ngoại cao? "Đây là vấn đề pháp luật cấm nhưng nếu phát hiện thì sẽ bị xử lý. Một bác sĩ có lương tâm và trình độ thì người ta luôn nghĩ sẽ phải tìm một loại thuốc tốt cho bệnh nhân và để khẳng định uy tín của bác sĩ đó. Cũng không loại trừ có trường hợp tiêu cực, bởi đánh giá, kinh nghiệm mang tính chủ quan của con người. Ngoài ra, cần tạo điều kiện cho công ty dược Việt Nam tiếp cận với bác sĩ giới thiệu thông tin của thuốc, kêu gọi lương tâm bác sĩ và sự kiểm tra kiểm soát của ngành" - PGS Phong Lan trả lời.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay sắp tới sẽ điều chỉnh quy định kê đơn để ưu tiên cho thuốc Việt. Danh mục thuốc do ngân sách và BHYT chi trả sẽ ưu tiên đưa thuốc sản xuất trong nước và thuốc thông thường.

Ngoài ra, PGS Phong Lan đưa thêm giải pháp, ưu tiên thuốc Việt bằng cách hạn chế số đăng ký thuốc ngoại nhập đối với những loại thuốc tương đương mà chúng ta sản xuất được. Cần có sự định hướng, phân vùng, phân tuyến để các công ty không giẫm chân lên nhau.

Sẽ có hội đồng chuyên môn độc lập

PGS-TS Lê Văn Truyền cho biếtở nước ngoài, BHYT là quỹ, đóng vai trò kiểm soát thuốc ở các BV. Họ có hội đồng chuyên môn độc lập để xây dựng thuốc BHYT, dựa trên tiêu chí thuốc an toàn, hiệu quả điều trị và kinh tế (cân bằng giữa hiệu quả và kinh tế). Ở đó người ta cũng quy định đồng chi trả và có những thứ thuốc BHYT không chi trả 100%.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết sắp tới danh mục thuốc, danh mục kỹ thuật cao đưa vào BHYT do hội đồng chuyên môn độc lập lựa chọn, thẩm định.

Tại buổi ra mắt chương trình truyền thông Con đường thuốc Việt, Bộ Y tế cũng ra mắt Hội đồng Bình chọn thuốc Việt do PGS-TS Lê Văn Truyền làm chủ tịch. Mục tiêu là mỗi năm chọn ra 100 sản phẩm thuốc Việt tốt về chất lượng, đảm bảo hiệu quả điều trị, an toàn sử dụng...

Tại TP.HCM: BV tuyến quận/huyện, BV đa khoa thì tỉ lệ thuốc trong nước được sử dụng lên tới 60%-90% chi phí. Nhưng ở các BV chuyên khoa như ung thư, nhãn khoa... thì thuốc Việt chỉ chiếm 5%-10%. Thuốc Việt hiện chiếm 48% giá trị sử dụng trong cả nước.

DUY TÍNH

Từ khoá: hiệu quả khoa học gia chất lượng cao giải pháp người dân chất lượng nghiên cứu chất lượng sản phẩm chuyên môn doanh nghiệp nâng cao chất lượng giá trị sử dụng công ty chi phí

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

News - Tin tuc - RSS - ATOM - FEED