Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên khai mạc. |
Hợp tác trong lĩnh vực bảo hiểm là một trong những nội dung hợp tác tài chính ASEAN, và trong nhiều năm qua tiến trình hợp tác tài chính nói chung và bảo hiểm nói riêng đã đạt được kết quả quan trọng, chuẩn bị hướng tới một cộng đồng chung vào năm 2015 theo cam kết của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Thời gian qua, ngoài việc chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng khuôn khổ pháp luật, phát triển thị trường, nâng cao năng lực quản lý giám sát, các nước ASEAN đã có những hợp tác cụ thể nhằm tạo ra cơ hội cho thị trường bảo hiểm khu vực phát triển, ví dụ như Nghị định thư số 5 về Chương trình bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới ASEAN đã được các bên thông qua và ký kết năm 2001 tại Kuala Lumpur, Malaysia.
Hình thành từ năm 1993, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã có bước phát triển đáng ghi nhận. Đặc biệt là trong vòng 10 năm trở lại đây, có nhiều doanh nghiệp bảo hiểm được thành lập trên các loại hình bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ và môi giới bảo hiểm; các sản phẩm bảo hiểm đã phong phú hơn, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe; doanh thu phí có sự tăng trưởng khá (có thời gian đạt mức bình quân từ 20 - 25% mỗi năm). Hệ thống khuôn khổ pháp lý đối với kinh doanh bảo hiểm đã được hoàn chỉnh, theo đó Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính đã được tăng cường nhằm đảm nhiệm chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, so với một số nước trong khu vực thì quy mô thị trường bảo hiểm Việt Nam còn nhỏ, sản phẩm chưa đa dạng. Với chủ trương mở cửa thị trường bảo hiểm theo các cam kết quốc tế, Việt Nam khuyến khích các loại hình doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động, cả doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài; bên cạnh đó, chủ trương tiếp tục cơ cấu lại các doanh nghiệp bảo hiểm nhằm nâng cao năng lực tài chính, khả năng thanh toán cũng như nâng cao chất lượng quản trị, chất lượng dịch vụ, đặc biệt là quản trị rủi ro.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phát triển kinh tế bền vững, giải quyết tốt an sinh xã hội là mục tiêu mà Việt Nam cũng như các nước trong khu vực đều hướng tới. Theo đó, yêu cầu hội nhập trong lĩnh vực tài chính trong khối ASEAN sẽ ngày càng sâu rộng hơn.
"Đối với lĩnh vực bảo hiểm, chúng tôi cho rằng nhu cầu bảo hiểm của người dân, của các tổ chức kinh tế - xã hội sẽ ngày càng tăng hơn, đây là cơ hội để thị trường bảo hiểm phát triển. Với sự hợp tác chặt chẽ trong nội khối, trong đó có tiến trình hợp tác tài chính, tôi hy vọng rằng lĩnh vực bảo hiểm đạt được nhiều thành tựu hơn nữa, góp phần tích cực trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội mỗi nước, cũng như trong toàn khu vực"- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chia sẻ.
Được biết, tại Hội nghị các nhà quản lý bảo hiểm ASEAN, ngoài các nội dung cơ bản như cập nhật sự phát triển của thị trường bảo hiểm mỗi nước, đánh giá việc tuân thủ các nguyên tắc bảo hiểm quốc tế, đánh giá kết quả triển khai thực hiện các Nghị định thư trong khuôn khổ Hiệp định khung về thúc đẩy hàng hóa, tăng cường hợp tác trong đào tạo cán bộ ngành bảo hiểm, Việt Nam đã có sáng kiến đề nghị Hội nghị năm nay trao đổi sâu hơn về hai chủ đề là: "Hệ thống cảnh báo sớm, giám sát từ xa và kiểm tra tại chỗ" và "Quản trị doanh nghiệp". Đây là những nội dung thiết thực, vừa giúp các nước tăng cường quản lý, giám sát và tự quản lý, giám sát, vừa phục vụ cho quá trình hoàn thiện quy định pháp luật tại Việt Nam và hoàn thiện các giải pháp tái cấu trúc doanh nghiệp bảo hiểm, góp phần thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020.
Bên cạnh đó, tại Hội nghị Hội đồng bảo hiểm ASEAN năm nay, các nước cũng tập trung chia sẻ kinh nghiệm vượt qua thách thức khi kinh tế gặp khó khăn, trao đổi về cơ chế chia sẻ rủi ro, đặc biệt là các rủi ro liên quan đến thảm họa, kinh nghiệm phát triển các sản phẩm bảo hiểm mới, đồng thời tập hợp các kiến nghị, đề xuất với Hội nghị các nhà quản lý bảo hiểm ASEAN để cùng tháo gỡ, chia sẻ vì sự phát triển của ngành bảo hiểm trong khu vực...
(T.H)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.