Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

Báo động tình trạng mắc lao trong sinh viên

Số lượng sinh viên đến khám do có triệu chứng lao phổi ngày càng gia tăng
 

(GD&TĐ) - Kinh tế gia đình khó khăn nên không ít sinh viên lên Hà Nội học phải sống chung trong ngôi nhà chật chội, ẩm thấp. Bên cạnh đó, bữa ăn hàng ngày nhiều rau hơn thịt, cá không đảm bảo dinh dưỡng khiến không  ít sinh viên các trường ĐH Kinh tế quốc dân, Bách khoa, Xây dựng mắc lao.

Sinh viên mắc lao gia tăng

BS Chu Thị Cúc Hương, Phó trưởng khoa Khám chữa bệnh (Bệnh viện Phổi Hà Nội) cho biết: Sinh viên chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong tổng số ca đến khám bệnh tại bệnh viện. Gần đây nhất, một sinh viên nam học năm thứ 2 Trường ĐH Kinh tế quốc dân đến khám trong tình trạng ho kéo dài 2 tháng, khạc ra đờm.

Trước khi đến khám tại Bệnh viện Phổi Hà Nội, sinh viên này được bác sĩ ở phòng y tế trường chẩn đoán viêm phế quản và cho dùng kháng sinh. Tuy nhiên, dùng hết liều thuốc nhưng bệnh tình không khỏi, sinh viên này đến Bệnh viện Phổi Hà Nội khám.

Kết quả chụp phim cho thấy ½ phổi trái bị tổn thương; Xét nghiệm đờm 3 mẫu đều cho kết quả dương tính với vi khuẩn lao.  Bệnh viện đã chuyển hồ sơ và thuốc chữa lao về quận để thuận tiện cho  việc chăm sóc, điều trị, lấy thuốc định kỳ.

Theo BS Hương, lượng sinh viên các trường tại Hà Nội đến khám tại bệnh viện ngày càng gia tăng. Một phần sinh viên đến khám do viêm phế quản, viêm phổi nhưng cũng không ít sinh viên bị lao phổi. Điều đáng nói ở chỗ, phác đồ điều trị lao hiện nay kéo dài trong 6 tháng nhưng một số sinh viên không có bảo hiểm y tế.

Như vậy, việc điều trị gặp nhiều khó khăn, tăng nguy cơ kháng thuốc do điều kiện gia đình khó khăn khiến sinh viên không uống thuốc thường xuyên, đều đặn và không có được chế độ dinh dưỡng hợp lý. "Cái vòng luẩn quẩn giữa kinh tế khó khăn - không có bảo hiểm y tế - mắc bệnh - không có tiền điều trị là nguyên nhân khiến không ít sinh viên gác lại giấc mơ đại học bởi sức khỏe suy giảm...", BS Hương chia sẻ.

Theo ThS Vũ Cao Cường, Phó GĐ Bệnh viện Phổi Hà Nội, với tỷ lệ nhiễm  lao trong cộng đồng hiện nay, có 10 -15% là sinh viên. Sở dĩ, giới trẻ mắc lao nhiều do thường xuyên sống trong môi trường ẩm thấp, chật chội trong khi đó bữa ăn hàng ngày lại không cung cấp đủ các nhóm dinh dưỡng nên dễ bị suy dinh dưỡng, giảm sức đề kháng khiến vi khuẩn lao phát triển thành bệnh lao.

Phòng chống lao cho sinh viên: Gia đình, nhà trường cùng vào cuộc

Phác đồ điều trị lao kéo dài trong 6 tháng đòi hỏi bệnh nhân lao phải có sự kiên trì. Bên cạnh đó, khi mắc lao, sức khỏe sẽ kiệt quệ rất cần sự chăm sóc của gia đình. BS Hương cho biết: Tất cả sinh viên mắc lao đều được  bệnh viện chuyển hồ sơ, thuốc về y tế trường hoặc trạm y tế gần trường nhất, một phần tạo thuận lợi cho sinh viên trong việc lĩnh thuốc cũng như quản lý bệnh nhân.

Mặt khác, việc thông báo về trường cũng là hình thức để khuyến cáo nhà trường tạo điều kiện cho các em được nghỉ ngơi hợp lý, với sinh viên gia đình quá khó khăn cần hỗ trợ các em trong ăn uống để tăng sức đề kháng. "Điều trị lao là việc của cá nhân nhưng nếu nhà trường, gia đình không vào cuộc thì bệnh nhân sẽ bỏ thuốc, gây tình trạng kháng thuốc sẽ là nguồn lây lan cho các sinh viên còn lại.

Ngoài ra, khi có sinh viên mắc lao, nhà trường cũng cần tuyên truyền để các sinh viên khác có ý thức bảo vệ sức khỏe của mình...", BS Hương trao đổi.

Thống kê của Bệnh viện Phổi Hà Nội, tính trung bình mỗi ngày Hà Nội thu nhận 6 bệnh nhân lao, trong đó có 3 - 4 bệnh nhân lao có vi khuẩn lao trong đờm. Trung bình từ cứ 8 - 9 ngày có 1 người chết do lao. Đáng chú ý, số người mắc lao tập trung ở độ tuổi lao động (từ 18 - 45 tuổi), chiếm 75%.

Theo ThS Cường, vì thiên chức làm vợ, làm mẹ, áp lực học hành, môi trường sống kém chất lượng cộng thêm với chế độ dinh dưỡng không đầy đủ khiến nhiều chị em, sinh viên bị suy giảm sức đề kháng. Đáng lo ngại là khi bị ho kéo dài, nhiều bệnh nhân lại cố gắng chịu đựng, không dám đi khám vì sợ tốn kém. Hoặc lúc có bệnh thì lại sợ bị xa lánh, kỳ thị nên giấu bệnh, khiến bệnh càng trở nên trầm trọng.

Hiện Hà Nội đang áp dụng phác đồ điều trị lao 6 tháng với thuốc điều trị miễn phí 100% thuộc Chương trình phòng chống lao quốc gia. Người bệnh lao được điều trị theo chiến lược DOTS (hoá trị liệu ngắn ngày có theo dõi, kiểm soát và giảm đáng kể tỷ lệ người bệnh tái phát). BHYT hỗ trợ bệnh nhân các xét nghiệm khác như máu, chụp X-quang và một số loại thuốc khác...

Tuy nhiên, mối lo ngại lớn nhất hiện nay là lao kháng đa thuốc. Tổ chức Y tế thế giới nhận định, Việt Nam là một trong những quốc gia có gánh nặng lao kháng thuốc cao. Tại Việt Nam, tỷ lệ lao kháng thuốc tăng lên là 32,5% kháng một vài thuốc và 2,3% kháng đa thuốc...

Nguyên nhân là do vẫn còn không ít người bệnh không tuân thủ đúng theo nguyên tắc điều trị, dùng thuốc chống lao vài ba tháng, thấy khỏe hơn đã ngừng uống thuốc. Bên cạnh đó cũng tồn tại tình trạng giấu bệnh, ngại đi khám, điều trị do sợ tốn kém, ảnh hưởng đến công việc, sợ người xung quanh dị nghị.

Hoài Thu

Từ khoá: không có bảo hiểm gia kinh tế dinh dưỡng gia đình khó khăn khám chữa bệnh bão bệnh viện sức khỏe bệnh nhân người bệnh sinh viên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

News - Tin tuc - RSS - ATOM - FEED