Phía các DN, mức chi trả lương hiện nay đều cao hơn mức lương tối thiểu vùng. Cho nên, vấn đề tiền lương không khiến đa số các DN bận tâm. Tuy nhiên, quan ngại chính là vì tăng lương cơ bản, phí bảo hiểm xã hội sẽ tăng lên ở phần trách nhiệm DN phải đóng cho người lao động.
"Việc tăng lương tối thiểu mà Chính phủ đưa ra quá gần nhau, thời hạn áp dụng lại quá nhanh khiến DN không thích ứng kịp", bà Lê Minh Hằng, Giám đốc CTCP Dệt 10-10 cho biết. Là DN chuyên gia công màn tuyn theo đơn đặt hàng của đối tác nước ngoài, khách hàng thường là các tổ chức từ thiện, tăng giá bán nhiều lần trong trường hợp của Dệt 10 - 10 sẽ khiến đối tác nghi ngờ, bà Hằng khẳng định.
Khó khăn mà bà Hằng nói tới có liên quan đến Nghị định 182/2013/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành, quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở DN, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức quốc tế có thuê mướn lao động. Theo đó, mức lương tối thiểu vùng mới sẽ cao hơn mức lương hiện nay từ 250 - 350 nghìn đồng/tháng, tương đương mức tăng xấp xỉ 15%. Nghị định này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ đầu năm 2014.
Quan điểm của Chính phủ tại Nghị định 182 là, mức lương tối thiểu vùng quy định như trên là cơ sở để DN và người lao động thỏa thuận tiền lương, nhằm bảo đảm mức tiền lương không được thấp hơn mức lương tối thiểu đối với lao động giản đơn và phải cao hơn ít nhất 7% so với lương tối thiểu vùng, đối với người lao động đã qua học nghề (kể cả lao động do DN tự dạy nghề).
Phía các DN, mức chi trả lương hiện nay đều cao hơn mức lương tối thiểu vùng. Cho nên, vấn đề tiền lương không khiến đa số các DN bận tâm. Tuy nhiên, quan ngại chính là vì tăng lương cơ bản, phí bảo hiểm xã hội sẽ tăng lên ở phần trách nhiệm DN phải đóng cho người lao động.
Đại diện Công ty Dệt 19-5 cho biết, số tiền bảo hiểm tăng theo rất khủng khiếp, sẽ khiến DN phải tăng giá các sản phẩm bán ra để có thể cân đối chi phí. Nhưng, việc tăng giá rất khó thực hiện trong bối cảnh hàng hóa tiêu thụ khó khăn, tồn kho lớn... Đây thực sự là bài toán khó với DN.
Nhiều cảnh báo lập tức được phát đi, liệu việc tăng lương tối thiểu trong bối cảnh hiện nay có làm trầm trọng hơn vấn đề chiếm dụng vốn từ các khoản phải nộp như thuế, bảo hiểm xã hội, thậm chí cả tiền lương của người lao động... Hệ lụy đã từng thấy là nợ bảo hiểm xã hội kéo dài đã bùng phát thành các vụ việc tranh chấp giữa lao động và giới chủ, rất khó xử lý.
Trong khi đó, bản thân đối tượng được thụ hưởng là người lao động cũng chẳng mấy mặn mà. Bà Phạm Thị Loan, ngụ tại phường Tứ Liên (Hà Nội) cho rằng, việc tăng lương tối thiểu trong bối cảnh hiện tại chưa chắc đã làm thu nhập thực tế của người lao động tăng lên. "Tăng lương một thì giá cả sinh hoạt lại tăng lên gấp mấy lần. Những người hưu trí như tôi không làm thêm, chẳng có thu nhập nào khác ngoài trông vào lương hưu, mà lương chưa tăng giá cả sinh hoạt đã tăng, có cũng như không", bà nói.
Chị Lan, nhân viên Bệnh viện Bạch Mai tính toán, thu nhập của hai vợ chồng khoảng một chục triệu đồng/tháng, phải chi tiêu tùng tiệm lắm mới tạm đủ. Tháng nào phát sinh nhiều chi phí như ốm đau, ma chay, cưới hỏi thì không biết trông vào đâu. "Nếu tăng lương được vài trăm nghìn đồng mà giá sinh hoạt tăng lên hàng triệu đồng thì thà như thế này mà giá ổn định còn hơn", chị Lan bày tỏ.
Ở tình thế như hiện nay, nhiều DN kiến nghị, Chính phủ nên giãn khoảng cách thời gian giữa các đợt tăng lương tối thiểu dài hơn, đồng thời qui định mức tăng không nên đột biến và có lộ trình để các DN kịp xoay xở.
Hoàng Giáp
Tuyên bố trách nhiệm:Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.