Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

BHYT: "Tại sao các vị lãng phí, vung vãi thuốc như vậy?"

Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên chia sẻ với phóng viên bên lề kỳ họp sáng 8/11 khi Quốc hội thảo luận về lĩnh vực BHYT.

Có ý kiến cho rằng hiện nay lĩnh vực BHYT vẫn nằm trong diện bao cấp. Ông nghĩ sao về điều này?

Thực ra một số ĐBQH nói BHYT bao cấp không hoàn toàn là đúng. Bởi đó là trách nhiệm thực hiện chính sách an sinh xã hội của chế độ chúng ta, của hệ thống chính trị đối với nhân dân.

Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên. (Ảnh: Nguyễn Dũng)

Bên cạnh đó quyền lợi của BHYT Việt Nam thấp tiếp tục là một vấn đề không đúng nữa. Ví dụ như danh mục thuốc Bộ Y tế ban hành để bệnh nhân BHYT được cấp phát hiện nay lên tới 1.143 loại.

Các chuyên gia, đại diện tổ chức quốc tế từng nói với tôi rằng: "Tại sao các vị lãng phí, vung vãi thuốc như vậy?" Ở nhiều quốc gia, số thuốc bệnh nhân BHYT thụ hưởng chỉ khoảng 600-700, cùng lắm là 800 loại là đủ.

Vậy cần phải chỉnh lý lại thế nào để không bị lãng phí, thưa ông?

Chúng ta phải xem lại mức đóng BHYT (trên 500 nghìn đồng/người/năm) thì chi như thế nào cho hợp lí. Thử nhìn lại những đối tượng đang kêu ca, thắc mắc nhiều nhất về BHYT, đó là người giàu, cán bộ công chức.

Thử hỏi những người bỏ tiền mua BHYT tự nguyện có ai chê BHYT không? Mấy triệu người đó cần đến BHYT, họ thấy đây là nguồn bảo vệ họ hữu hiệu khi ốm đau.

Xét về mặt quản lí, do mệnh giá thấp nên đây là đối tượng gây âm quỹ nhiều quá, họ đóng 1 mà họ thụ hưởng 3.

Tuy nhiên, xét trên khía cạnh nhân văn thì đây lại là một điều để xã hội hỗ trợ những người không may ốm đau nhận được sự hỗ trợ từ cán bộ công chức. Chủ yếu BHYT tự nguyện là người nghèo, người mắc bệnh mãn tính.

Nhưng trong bối cảnh nguồn ngân sách có hạn, làm sao để thực hiện chi một cách có hiệu quả?

Với số tiền ít ỏi của BHYT Việt Nam, làm sao chi hợp lí, hiệu quả là bài toán hóc búa. Nhiều ĐBQH đề nghị thu thật cao mức đóng lên. Nhưng vấn đề này chỉ tốt nếu NSNN dồi dào hoặc vào thời điểm NSNN dồi dào. Tuy nhiên, trong lúc kinh tế chưa khởi sắc để chi hợp lí, hiệu quả thì đừng chia 5 xẻ 7 mỗi nơi lạm dụng một ít là tối ưu.

Theo ông, nội dung nào được cơ quan BHYT giám sát, kiểm soát chặt?

Đó là giá thuốc. 60% tiền chi BHYT là giá thuốc, tương đương 20.000 tỉ đồng năm 2012. Rất may là mấy tháng gần đây, sau khi thực hiện thông tư mới đã tiết kiệm được gần 1.000 tỉ đồng tiền thuốc. Tôi cho rằng phải kiểm soát chặt chẽ danh mục và giá thuốc.

Kế đó là phương tiện, kỹ thuật chữa trị. Ví dụ hệ thống máy móc, vật tư giá khá đắt bởi đã được BHYT chi trả. Cùng một loại máy, ở tỉnh A là 50 triệu nhưng tỉnh B lại là 70-80 triệu đồng. Vấn đề này cũng phải kiểm soát bởi nó dễ gây phản cảm trong dư luận, xã hội, đồng thời tạo điều kiện cho bệnh nhân dễ dàng tiếp cận các phương pháp chữa bệnh hiện đại, hiệu quả.

Thứ 3, làm thế nào để bệnh nhân BHYT đến đúng nơi họ cần. Một trong những mô hình trên thế giới triển khai rất hiệu quả mà chúng ta nên vận dụng  - đó là bác sĩ gia đình. Ở nước ngoài, người bác sĩ gia đình chăm sóc cho vài trăm đến cả nghìn bệnh nhân trong cộng đồng. Bác sĩ đó có trong tay hồ sơ sức khỏe của từng người dân, lịch sử bệnh lí để khi họ mắc bệnh thì bác sĩ cộng đồng chỉ định họ đến đâu cho hợp lí.

Hiện tại, cơ chế chuyển tuyến viện vẫn theo mô hình hành chính, tức là cứ tuyến dưới tự động lên tuyến trên mà không quan tâm tuyến trên đó có đủ năng lực khám chữa bệnh hay không?! Nếu giải quyết được vấn đề này thì thực tế "tiền ít" của BHYT sẽ giải quyết được phần nào.

Một vấn đề khác cũng rất được quan tâm là tình trạng trùng BHYT. Thưa ông, làm thế nào để khắc phục được tình trạng này?

Vấn đề trùng thẻ BHYT, hiện chúng ta đang rà soát để xem trách nhiệm tại cơ quan nào? Vì BHYT chỉ là đơn vị in và cấp thẻ BHYT sau khi nhận danh sách gửi lên. UBND các cấp mới là nơi cung cấp danh sách BHYT và chịu trách nhiệm chính về vấn đề này.

Tuy nhiên chúng ta đang thiếu cơ chế sàng lọc nhóm này. Điều cần nhất hiện nay là mỗi xã phải có 1 cán bộ chuyên trách về lĩnh vực BHYT.

Xin cảm ơn ông!

Từ khoá: hiệu quả gia khám chữa bệnh bệnh nhân trách nhiệm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

News - Tin tuc - RSS - ATOM - FEED