Thảo luận tại Hội trường ngày 8/11 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009 - 2012, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho biết, đang nổi lên tình trạng lạm dụng BHYT cả về phía cán bộ y tế cũng như người có thẻ BHYT...
Lo không được bác sĩ quan tâm, nhiều bệnh nhân không mặn mà với thẻ BHYT.
Báo cáo kết quả giám sát do Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai trình bày giống như "gáo nước lạnh" dội vào ngành y tế khi chỉ ra những nghịch lý xuất hiện từ khi triển khai Luật BHYT: Đa số tỉnh có tỷ lệ tham gia BHYT giảm hoặc ở mức thấp là các tỉnh thuần nông, có điều kiện kinh tế - xã hội ở mức trung bình, ít đối tượng được ngân sách hỗ trợ tham gia BHYT. Rồi nhóm đối tượng bắt buộc phải tham gia BHYT nhưng tỷ lệ đạt thấp như người lao động trong các doanh nghiệp đạt 54,7%, trong đó khu vực tư nhân chỉ đạt 20 - 30%. Học sinh, sinh viên mới đạt tỷ lệ 80%. Đặc biệt các trường tư có tỷ lệ tham gia rất thấp và vẫn còn khoảng 5% trẻ em dưới 6 tuổi chưa có thẻ BHYT.
Nghịch lý nhất là hoạt động khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT tại các bệnh viện công. Đó là tại nhiều bệnh viện hình thành khu vực khám chữa bệnh theo yêu cầu, giành 5 - 10% số giường làm dịch vụ để thu phí cao. Có nghĩa, tại cùng một khoa hình thành hai chế độ, bệnh nhân BHYT với 2 - 3 người/giường còn bệnh nhân khám chữa bệnh theo yêu cầu lại 1 người/phòng có đầy đủ tiện nghi. "Chính vì sự tương phản này đã kèm theo thái độ về y đức, cùng Khoa, có bệnh nhân được bác sĩ chăm sóc chu đáo nhưng có bệnh nhân bị khám hời hợt" - bà Mai nói. Ngoài ra, quá trình thực hiện đã phát sinh một số yếu tố tiêu cực làm ảnh hưởng đến BHYT.
Theo bà Trương Thị Mai, nguyên nhân của vấn đề này được cho là do giá dịch vụ y tế ở mức thấp trong nhiều năm, đầu tư của Nhà nước cho bệnh viện còn hạn chế, nhiều bệnh viện thực hiện chủ trương của Nhà nước về tự chủ bệnh viện và xã hội hóa dịch vụ y tế, kể cả kỹ thuật hiện đại để phục vụ nhu cầu của bệnh nhân. Rồi cũng có sự khác nhau giữa các bệnh viện cùng hạng (cùng là bệnh viện lao tuyến tỉnh có nơi là 1,3 triệu đồng/ca bệnh, có nơi là 4 triệu đồng/ca; bệnh viện tâm thần tuyến tỉnh có nơi 1,8 triệu đồng/ca, có nơi 4 triệu đồng/ca...).
Cũng theo bà Mai, kết quả giám sát còn cho thấy có tình trạng lạm dụng BHYT cả về phía cán bộ y tế cũng như người có thẻ BHYT. Những vi phạm phổ biến đó là lạm dụng xét nghiệm, thuốc, hóa chất, vật tư y tế, kê đơn thuốc ngoài danh mục cho phép, kê khống tiền thuốc, bệnh nhân nằm ghép nhưng vẫn thanh toán mỗi người/giường bệnh, lập hồ sơ bệnh án khống (như làm giả kết quả xét nghiệm), sử dụng chung xét nghiệm ở một số bệnh viện để thanh toán với quỹ BHYT. Có nơi, cán bộ y tế ở bệnh viện sử dụng thẻ BHYT của người thân để làm thủ tục lấy thuốc ở bệnh viện. Rồi chính người có thẻ BHYT thì lạm dụng thông qua việc cho mượn thẻ, đi khám nhiều nơi trong ngày (nhất là các bệnh mạn tính), cho thuê thẻ BHYT và thuê người bị bệnh mạn tính đi khám chữa bệnh để lấy thuốc (theo kiểm tra của BHXH Việt Nam, có trường hợp thẻ BHYT ở tỉnh Đồng Nai được sử dụng 157 lần khám chữa bệnh trong năm).
Đến từ Đà Nẵng, thông tin của ĐB Huỳnh Nghĩa chỉ ra khiến nhiều người quan tâm: Năm 2012 Quỹ BHYT đã kết dư gần 13.000 tỷ đồng. Trong khi lại có nhiều bệnh viện, chỉ vì không có kinh phí để mua thêm giường bệnh nên vẫn xảy ra tình trạng 2 - 3 người bệnh nằm điều trị chung 1 giường, bệnh nhân này phải ra hành lang để nhường chỗ tiêm cho bệnh nhân khác. Thêm vào đó, tình trạng công khai minh bạch trong cung ứng dịch vụ y tế và quyền lợi của người tham gia bảo hiểm còn hạn chế, vấn đề y đức xuống cấp trầm trọng, thủ tục hành chính phiền hà đã trực tiếp đe dọa phá vỡ ý nghĩa nhân văn trong chính sách BHYT. Cũng theo ĐB này, khoản tiền kết dư gần 13.000 tỷ đồng chủ yếu hình thành từ 10% số thu BHYT và 40% kết dư trong năm chủ yếu ở những tỉnh miền núi, có ít người đi khám bệnh. "Điều này có nghĩa người nghèo tham gia bảo hiểm y tế để bù đắp chi khám bệnh cho người giàu, đây là một nghịch lý không thể chấp nhận được", ĐB Nghĩa nói.
Để hạn chế bất cập trên, ĐB Phạm Thị Hải (Đồng Nai) kiến nghị: "Số tiền kết dư gần 13.000 tỷ cần được đầu tư trở lại cho địa phương để tổ chức cung ứng dịch vụ, nâng cấp các trang thiết bị kỹ thuật y tế, từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh để người dân được hưởng lợi một cách công bằng từ chính sách hỗ trợ của nhà nước".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.