Có lẽ, chỉ có những ai đã trải qua sinh tử, kề cận cái chết mới ý thức được tầm quan trọng của mũ bảo hiểm.
Hiện nay, phần lớn người dân đã đội mũ khi đi mô tô, xe máy. Thế nhưng, tại sao vấn nạn mũ bảo hiểm dởm vẫn làm nhức nhối các cơ quan chức năng. Câu hỏi được đặt ra là: Người dân đội mũ bảo hiểm vì an toàn, hay chỉ là để đối phó với công an?
Lang thang trên mạng, tôi lại tình cờ đọc được tin sốc: Sau vụ ồn ào về chuyện tình cảm, cô người mẫu Tây Andrea Aybar lại tiếp tục gây sốc ghi đăng tải lên facebook đoạn video: Đi xe máy không đội mũ bảo hiểm...
Hình ảnh này khiến tôi nhớ lại, cách đây không lâu, ca sĩ Yanbi, người mẫu Trang Trần... cũng đã bị cộng đồng mạng lên án vì hành vi không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy. Là người của công chúng, nhưng họ lại không ý thức được hành vi của mình.
Vốn là dân văn phòng, ngày nào trước khi bắt tay vào công việc, tôi cũng lang thang qua các trang báo, xem đủ các loại tin tức xem có gì hay, có gì nóng không. Cho nên hành vi của những người nổi tiếng đã không chấp hành phát luật, còn tung lên mạng để khoe hàng, khiến tôi rất phản cảm.
Không phản cảm sao được, khi hàng ngày trên các trang báo, những thông tin về các trường hợp bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông vì không đội mũ bảo hiểm, hoặc đội mũ bảo hiểm rởm, vấn nạn mũ bảo hiểm kém chất lượng vẫn chưa có phương án xử lý triệt để... vẫn xuất hiện với tần xuất khá dày đặc. Trong khi đó, ý thức của người dân trong việc chấp hành đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy lại rất kém. Đa phần người dân đội mũ bảo hiểm là để đối phó với lực lượng công an, chứ không phải vì an toàn của chính bản thân mình và xã hội.
Đa phần người dân đội mũ bảo hiểm là để đối phó với lực lượng công an, chứ không phải vì an toàn của chính bản thân mình và xã hội. (ảnh minh họa)
Khi viết bài này, tôi có làm một cuộc khảo sát nhỏ, phạm vi là những người trong công ty nơi tôi làm việc và ở xóm trọ của tôi. Kết quả 120 người được hỏi, chỉ có 33 người có mũ bảo hiểm xịn, 87 người còn lại chỉ sắm mũ bảo hiểm cho có, vì "sợ công an phạt". Đáng nói, trong số 33 người mua mũ bảo hiểm đạt chất lượng, chỉ có 15 người là đội mũ vì an toàn, số còn lại "đã mua thì mua đồ xịn", đội mũ chỉ là để tránh công an.
Một con số đáng buồn. Có thể, cuộc khảo sát của tôi không bao quát, nhưng cũng phần nào thể hiện được một sự thật về thực trạng đội mũ bảo hiểm của người dân hiện nay. Điều đó lý giải cho câu hỏi vì sao, mũ bảo hiểm dởm dù chất lượng rất kém vẫn bán rất chạy.
Bên cạnh đa số người dân dù không muốn vẫn phải đội vì "sợ công an", thì có một bộ phận nhỏ, đặc biệt là giới trẻ không bao giờ đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy. Với họ, không đội mũ bảo hiểm mới là dân chơi, là sành điệu, mới là Pro. Những hình ảnh một nhóm thanh niên, nam có, nữ có, ăn mặc sành điệu, chở ba, chở bốn, không đội mũ bảo hiểm phóng vèo vào trên phố không còn là lạ lẫm đối với người dân ở những thành phố lớn. Và khi gặp cảnh sát giao thông, họ liền rồ ga bỏ chạy, gây ra những vụ tai nạn vô cùng thương tâm.
Đến hôm nay, tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi vụ tai nạn giao thông mà mình chứng kiến vào tháng trước. Hôm đó, tại ngã tư đèn đỏ giao giữa Hồ Tùng Mậu với Cầu Giấy, một nam thanh niên không đội mũ bảo hiểm, chở bạn gái phía sau, khi đèn đỏ bắt đầu xuất hiện, đáng lẽ phải dừng lại thì thấy chú công an chỉ vào mình, yêu cầu tấp vào vỉa hè, cậu liền rồ ga phóng đi, hòng bỏ chạy. Do tốc độ quá nhanh, cậu đã đâm vào một một xe máy khác đi từ Phạm Hùng lại. Quá bất ngờ, nhiều xe máy khác do không lường trước tình huống cũng đã bị ngã nhào vì phanh gấp. Vụ tai nạn đã khiến hai xe máy hư hỏng nặng, cậu thanh niên và cô bạn gái bị chết tại chỗ do chấn thương sọ não; còn nạn nhân của chiếc xe bị đâm kia được đưa đi cấp cứu trong tình trạng chấn thương nặng.
Có lẽ, chỉ có những ai đã trải qua sinh tử, kề cận cái chết mới ý thức được tầm quan trọng của mũ bảo hiểm. (ảnh minh họa)
Bên cạnh một bộ phận không đội mũ bảo hiểm vì sĩ diện, thì có một bộ phận cũng không đội mũ bảo hiểm vì "quen biết". Khi bị bắt, họ chỉ cần "alo" một tiếng là được tha ngay.
Có lần, tôi bị cảnh sát giao thông bắt vì tội đi vào đường cấm. Bị bắt cùng với tôi, còn có một chị trông rất xinh, sành điệu, đi xe SH. Tôi đầy đủ giấy tờ, mũ bảo hiểm, vẫn bị phạt; còn chị ấy mũ không, giấy tờ không, vậy mà chỉ một cuộc điện thoại đã được tha bổng. Thật bất công, nhưng dân đen như tôi đâu dám phàn nàn.
Bài liên quan:Đội mũ bảo hiểm: Vì an toàn hay chỉ là đối phó?
Chồng có ôtô nhưng vẫn đi xe 82 đi làm
T.S Đinh Đoàn: "Ly hôn là do đàn bà"
Mới tán mà trả tiền gì anh cũng bảo cưa đôi
Mẹ tôi nhục với nhà chồng khi chăm con đẻ
Tôi có một anh bạn, nếu đi trong nội thành Hà Nội, anh chẳng bao giờ đội mũ bảo hiểm. Anh tự hào, anh quen đầy, chẳng bao giờ bị phạt. Khi nào cô bị công an tóm, cứ alo cho anh, anh nói một câu là xong ngay.
Đó là ở thành phố, còn ở nông thôn, người dân lại càng lười đội mũ bảo hiểm hơn. Bởi đường đi của họ thường rất ngắn, có khi chỉ là từ nhà ra chợ, có khi là từ nhà này qua nhà khác. Chỉ một hai cây số, mũ miếc làm gì cho rườm ra, phức tạp. Công an giao thông thì ít khi xuất hiện ở đường làng, mà công an xã thì toàn là người quen...
Dù những con số thống kê cho thấy, mũ bảo hiểm đã được chứng minh giúp giảm khả năng chấn thương nặng do tai nạn giao thông tới 69% và giảm khả năng tử vong tới 42%. So với những người đi xe máy có đội mũ bảo hiểm, những người không đội mũ bảo hiểm có nguy cơ chấn thương sọ não cao gấp 4 lần và nguy cơ này tăng lên hơn 10 lần trong trường hợp xảy ra tai nạn. Thế nhưng, đa số người dân Việt Nam chưa ý thức được tầm quan trọng của mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy.
Có lẽ, chỉ có những ai đã trải qua sinh tử, kề cận cái chết mới ý thức được tầm quan trọng của mũ bảo hiểm.
Bên cạnh phòng trọ của tôi là một cậu thanh niên trẻ tuổi. Đến bây giờ, mỗi lần nhớ lại vụ tai nạn giao thông xảy ra hai năm trước, cậu vẫn rùng mình. Nếu không có mũ bảo hiểm cứu mạng, có lẽ bây giờ mộ của cậu cũng đã xanh cỏ. Cậu cho biết, khi đó, cậu và một anh bạn đang đi trên đường thì bị một xe tải bất ngờ vượt lên, hất cả hai người văng xuống đường. Thông thường thì người ngồi sau sẽ bị nặng hơn, do người lái xe có thể chủ động tình hình. Thế nhưng, nhờ có mũ bảo hiểm, cậu chỉ bị gãy tay, xây xước mặt, lực va đập lớn nên mũ bảo hiểm bị rạn nhưng cái đầu của cậu lại được bảo vệ dù có choáng váng. Còn anh bạn, mũ bảo hiểm thời trang bị vỡ nát, chấn thương sọ não và qua đời trên đường đi cấp cứu.
Sau tai nạn đó, cậu thấy mình thật may mắn. Nếu không có cái mũ bảo hiểm được tặng khi đi mua xe máy thì cậu không dám tượng tưởng được hậu quả sẽ đến với mình.
Nếu trước đây, cậu cũng chỉ đội mũ bảo hiểm chỉ là để đối phó với công an, thì sau vụ việc suýt gặp thần chết đó, cậu mới hiểu được tầm quan trọng của nó.
Thiết nghĩ, vì an toàn của bản thân cũng như xã hội, mỗi người dân nên tự giác, đội mũ bảo hiểm đúng chất lượng, không phải vì đối phó với công an, mà vì chính bản thân mình...
Từ khoá: chất lượng công an người lái xe tai nạn giao thông an toàn bảo hiểm thanh niên đối phó người dân bão quan trọng tai nạn giao thông tầm quan trọng